Làm thế nào để du lịch TPHCM phát triển bền vững?
Để kích cầu du lịch, Sở Du lịch cùng hiệp hội du lịch TP.HCM đã có những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hồi phục sau dịch.
Là thành phố kinh tế lớn nhất cả nước, nhiều năm qua, TP.HCM luôn dẫn đầu về tăng trưởng khách du lịch nội địa và quốc tế. Theo thống kê của Sở Du lịch, khách du lịch nội địa của Sài Gòn năm 2017 đạt 26 triệu lượt. Năm 2018 con số này là 29 triệu lượt, năm 2019 là gần 33 triệu lượt. Tuy nhiên, đằng sau những con số đẹp như mơ này là thực tế du lịch thành phố vẫn đang loay hoay tìm điểm nhấn để níu giữ du khách. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành du lịch đang bị sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đa dạng về sản phẩm
Năm 2017, TP.HCM cho ra mắt phố đi bộ Bùi Viện, trước đó là phố đi bộ Nguyễn Huệ. Những con đường này đều phục vụ nhu cầu vui chơi của khách du lịch và người dân thành phố, giúp du khách thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.
Du lịch đường sông cũng được thành phố chú ý. Theo quy hoạch, thành phố sẽ có nhiều tuyến du lịch đường thủy, như tuyến công viên Bạch Đằng (quận 1) đi kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, kênh Lò Gốm đến chùa Long Hoa (quận 8); tuyến công viên Bến Bạch Đằng đi trên sông Sài Gòn đến khu vực Thanh Đa, khu du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh); tuyến Bạch Đằng đi trên sông Sài Gòn đến khu di tích Địa đạo Bến Dược (huyện Củ Chi); tuyến công viên Bến Bạch Đằng đi trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đến chùa Hội Sơn (quận 9)…
Hàng năm, ngành du lịch cũng tổ chức nhiều sự kiện như hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM, lễ hội áo dài, lễ hội ẩm thực và trái cây Nam bộ,…Có thể thấy, sản phẩm du lịch của TPHCM rất đa dạng, nhiều về số lượng so với các địa phương khác.
Tuy nhiên, thực tế các sản phẩm du lịch TP.HCM chưa có tính đặc thù để giữ chân du khách. Các đề án đã hoàn thành như du lịch đường thủy bằng buýt sông, du thuyền trên sông, chèo thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại không đạt được hiệu quả. Lượng khách quá thấp, các tuyến buýt sông hoạt động cầm chừng. Bên cạnh đó, các dự án Khu du lịch sinh thái biển Cần Giờ, Công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi, điểm sinh hoạt văn hóa như Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm,… đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM, hiện nay ngành du lịch đường thủy đang gặp khó khăn do thiếu bến cảng neo đậu. Du lịch thủy nội địa có khởi sắc khi thành phố thực hiện tuyến buýt đường sông hoạt động tầm ngắn và dài sang tận Campuchia, nhưng cũng mất khoảng 3-5 năm mới thật sự phát triển khi có hệ thống cầu cảng, bến bãi đầy đủ.
Tại kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa IX, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM dự báo, trong năm 2021, TP.HCM sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế vì kết quả chống COVID-19 hiệu quả của Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của TP.HCM chưa hấp dẫn, chưa kết nối được làn sóng đầu tư nước ngoài vào du lịch.
Hướng đi nào cho du lịch TP.HCM?
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, ngành du lịch TP.HCM 6 tháng đầu năm 2020 sụt giảm đến 52% khách quốc tế, doanh thu sụt gần 47%. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của ngành du lịch TP.HCM trong nhiều năm qua. Trong khi đó, TP.HCM chưa có những sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng, dù không thiếu sản phẩm nhưng độ hấp dẫn chưa thực sự lớn.
Sở Du lịch TP.HCM cho biết, hiện sở đang thực hiện các nhóm giải pháp để phát triển như cơ cấu lại thị trường, cơ cấu lại sản phẩm du lịch, cơ cấu đầu tư nâng chất cơ sở vật chất du lịch…
Bà Võ Thị Ngọc Thuý – Phó giám đốc Sở du lịch TP.HCM cho biết thêm, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Sở đã xây dựng chiến dịch truyền thông “Hello Ho Chi Minh city – Thành phố Hồ Chí Minh xin chào”, tập trung giới thiệu một số sản phẩm mới; tung ra gói kích cầu với sự tham gia của 24 doanh nghiệp với mức giảm 60%. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo giảm chất lượng, dịch vụ đi kèm khi giảm giá tour.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Khánh – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết, hiệp hội đã có những kiến nghị, như làm việc với ngân hàng để có chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp hồi phục sau dịch. Bên cạnh đó, đề xuất chú trọng các giải pháp giữ nguồn nhân lực du lịch, vì trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh hiện nay, những lao động chất lượng cao sẽ có khuynh hướng chuyển sang các ngành khác, khó quay trở lại với du lịch, do đó cần tăng cường các chính sách để đảm bảo giữ chân nguồn nhân lực này.
Về lâu dài, lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM cho biết, thành phố hiện đang tập trung đẩy mạnh có hiệu quả 4 giải pháp lớn gồm: Nâng chất lượng điểm đến và xây dựng sản phẩm mới, tập trung vào các sản phẩm mang tính trải nghiệm cho du khách; tổ chức sự kiện du lịch thường xuyên, quy mô và ngày càng chuyên nghiệp; đẩy mạnh truyền thông gắn với ứng dụng công nghệ; liên kết vùng để tạo ra sản phẩm mới và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong khu vực. Trong đó, ngoài các điểm đến là di tích văn hóa – lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của thành phố, du lịch Thành phố sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp tại quận 9, 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi.
Phát triển các tuyến buýt sông, các tuyến du lịch đường thủy để mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với thành phố.
Tổ chức nhiều sản phẩm mới mang tính trải nghiệm như tại các khu nông nghiệp công nghệ cao, chương trình lớp dạy nấu ăn cho du khách, trải nghiệm đảo Thạnh An - Cần Giờ. Đặc biệt, City tour bằng xe buýt 2 tầng “Hop-on Hop-off” và “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn” được đánh giá là một trong những sản phẩm độc đáo của thành phố có sức thu hút.
“Sắp tới thành phố sẽ công bố Chiến lược phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2030 để làm nền tảng cho các hoạt động phát triển của ngành du lịch được triển khai đồng bộ, đúng hướng và bền vững”, Sở Du lịch TP.HCM cho biết.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo