Lãi suất huy động tháng 3/2022 tại các ngân hàng biến động ra sao?
Tính đến thời điểm này, chỉ một số ít ngân hàng tăng lãi suất huy động so với tháng trước. Phía Công ty chứng khoán VnDirect dự báo lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,3 – 0,5 điểm % trong năm 2022.
Lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,3 – 0,5 điểm % trong năm 2022
Lãi suất tiết kiệm đã rục rịch tăng từ tháng 1/2022, nhưng đặc biệt kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh việc tăng lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao phục vụ sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn kinh tế phục hồi.
Công ty chứng khoán VNDirect nhận định lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử vào năm 2022.
Tính đến ngày 2/3/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng của các Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước không thay đổi so với mức cuối năm 2021. Trong khi đó, tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng của các Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lần lượt tăng 7 điểm % và 13 điểm % so với mức cuối năm 2021.
Nhóm phân tích dự báo lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,3 - 0,5 điểm % trong năm 2022. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các Ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.
Lãi suất huy động tháng 3/2022 ổn định
Ghi nhận từ đầu tháng 3/2022 đến nay, chỉ một số ít ngân hàng so với trước có sự điều chỉnh tăng nhẹ. Vì vậy, khung lãi suất tiết kiệm cao nhất tại các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục dao động trong phạm vi từ 5,5%/năm đến 7,5%/năm.
Cụ thể, biểu lãi suất huy động tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sau khi bước sang tháng 3 vẫn không có sự thay đổi so với trước. Do đó, khung lãi suất dành cho khách hàng cá nhân gửi tiền tiết kiệm tại quầy với các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng vẫn có phạm vi từ 4%/năm đến 7%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ.
Lãi suất cao nhất được ghi nhận tại ngân hàng SCB ở mức là 7,35%/năm dành cho các khoản tiền gửi online có kỳ hạn từ 18 tháng đến 36 tháng, lãi trả cuối kỳ.
Bước sang tháng 3, biểu lãi suất huy động cho tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) nhìn chung cũng không đổi so với trước. Do đó, phạm vi lãi suất tiền gửi dành cho khách hàng thường hiện vẫn dao động từ 2,55%/năm đến 7,1%/năm; còn khung lãi suất dành cho khách hàng ưu tiên vẫn duy trì trong khoảng từ 2,65%/năm đến 7,1%/năm.
Lãi suất cao nhất ghi nhận được tại ngân hàng Techcombank là 7,1%/năm dành cho khách hàng thường gửi tiền tiết kiệm từ 999 tỷ đồng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ.
Còn với Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), khách hàng khi gửi tiết kiệm được hưởng mức cao nhất là 7,1%/năm, áp dụng đối với những khoản tiền gửi khoảng 100 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.
Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB), lãi suất tiết kiệm cao nhất được áp dụng là 7%/năm cho hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, nhận lãi cuối kỳ cho số tiền gửi từ 200 tỷ trở lên, kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Ngược lại, bước sáng tháng 3, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) điều chỉnh tăng giảm trái chiều tại một số kỳ hạn so với ghi nhận đầu tháng trước.
Cụ thể, lãi suất huy động tại MBBank niêm yết tại hai kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng 4 tháng và 5 tháng đều tăng 0,2 điểm %. Trong đó, lãi suất cùng mức 3,4%/năm dành cho kỳ hạn 3 và 4 tháng, còn lãi suất 3,5%/năm cho kỳ hạn 5 tháng. Đối với kỳ hạn 6 tháng, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 3,92%/năm, giảm 0,33 điểm % so với hồi đầu tháng trước.
Ngược chiều với kỳ hạn 6 tháng, MBBank đã điều chỉnh lãi suất khi gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 12 tháng với hình thức trả lãi trước tăng 0,36 điểm % lên mức 5,21%/năm. Lãi suất cho kỳ hạn 13 tháng tăng 0,4 điểm %, còn kỳ hạn 15 và 18 tháng cùng tăng 0,2 điểm %.
Tại kỳ hạn 24 tháng MBBank đã điều chỉnh lãi suất giảm 0,32 điểm % xuống về mức 5,03%. Tại các kỳ hạn dài như 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng, lãi suất cùng tăng 0,2 điểm % và được quy định chung ở mức là 6,4%/năm. Đây cũng là mức lãi suất được MBBank huy động cao nhất trong tháng 3 này.
Ngoài ra, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng tương đối cạnh tranh, như: LienVietPostBank ở mức 6,99%/năm tại kỳ hạn 13 tháng (từ 300 tỷ trở lên) và 60 tháng; MBBank ở mức 6,90%/năm tại kỳ hạn 24 tháng từ 200 đến dưới 300 tỷ đồng;...
Tại nhóm 4 “ông lớn” ngân hàng có vốn nhà nước bao gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV trong tháng này nhìn chung không đổi so với trước. Cụ thể, lãi suất cao nhất tại VietinBank ở mức là 5,6%/năm. Trong khi Vietcombank, Agribank và BIDV cùng huy động lãi suất cao nhất ở mức là 5,5%/năm.
Có thể thấy, những ngân hàng có lãi suất cao nhất vẫn chủ yếu là ngân hàng nhỏ. Trong khi lãi suất huy động ở nhóm ngân hàng lớn ít biến động và thuộc nhóm thấp nhất.
VNDirect cho rằng áp lực lạm phát khó có thể làm thay đổi chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước (NHNN), ít nhất là trong nửa đầu năm. Theo đó, chuyên gia kỳ vọng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý II/2022 mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân hai tháng đầu năm vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 4%.
Về xu hướng lãi suất của năm 2022, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Chí Quang cho biết, Ngân hàng Nhà nước điều hành ổn định lãi suất dựa trên diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Đối với lãi suất huy động sẽ tiếp tục ổn định. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành bảo đảm hài hòa quyền lợi của người gửi tiền và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng.