0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 10/11/2020 08:53 (GMT+7)

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào

Hết tháng 9, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào đạt gần 740 triệu USD, có xu hướng tăng dần về cuối năm.

Thông tin từ Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Lào, hết tháng 9, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào đạt gần 740 triệu USD. Tuy có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tốc độ đã chậm lại và có xu hướng tăng dần về cuối năm. Nếu như đến hết tháng 7, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019 thì nay chỉ còn giảm 10,8%.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào gần 423 triệu USD, nhập khẩu từ Lào hơn 316 triệu USD.

Hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước có chiều hướng tăng trở lại là nhờ các thủ tục thông quan tại một số cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu địa phương được nới lỏng vì cả hai nước đều kiểm soát tốt dịch bệnh. Việt Nam và Lào đang nỗ lực thúc đẩy thương mại song phương trong năm nay tăng từ 10 đến 15% so với năm ngoái, khả năng đạt 1 tỉ USD như kế hoạch đã đề ra.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào

Lào xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là khoáng sản, sản phẩm gỗ và nông sản như cao su, cà phê, ngô, sắn, gạo, gia súc và nhập lại từ Việt Nam xăng dầu, phân bón, sắt thép, máy móc, thiết bị điện, vật liệu xây dựng và phụ tùng.

Việt Nam vẫn là đối tác thương mại lớn thứ ba của Lào và nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Lào, sau Thái Lan và Trung Quốc.

Thực tế chỉ riêng tại Quảng Bình - tỉnh có chung đường biên giới với tỉnh Savannakhet và tỉnh Khăm Muộn của nước CHDCND Lào, Sở Công thương Quảng Bình cùng các sở, ngành trong tỉnh đã đón tiếp các đoàn cán bộ nước bạn Lào đến thăm và làm việc, từ đó, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kết nối mạng lưới và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thương mại, du lịch, mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp trong khuôn khổ 9 tỉnh của 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan có sử dụng chung đường 8 và đường 12.

Sở Công thương cũng triển khai các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị kết nối doanh nghiệp và hội chợ thương mại biên giới tỉnh Nakhon Phanom, Muckdahan (Thái Lan); tổ chức đoàn giao dịch thương mại, mời doanh nghiệp các tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan), Khăm Muộn và Savannakhet (Lào) tham gia hội chợ công nghiệp và thương mại quốc tế Quảng Bình năm 2019...

Sở Công thương đã đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chiến lược dài hạn, chính sách cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền, các cụm cửa khẩu nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ thương mại, nâng cấp đường giao thông, nhất là các khu vực cửa khẩu, biên giới, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh.

Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào nên xem xét đưa tuyến Quốc lộ 12A vào hệ thống hành lang Đông-Tây theo Hiệp định vận tải hàng hóa quá cảnh trong khu vực với các nước tiểu vùng sông Mê Kông nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, vận tải và du lịch qua tuyến đường này.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023