0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 29/06/2020 10:52 (GMT+7)

Vốn FDI vào bất động sản 6 tháng đầu năm giảm gần 40% so với cùng kỳ

6 tháng đầu năm 2020, vốn FDI vào bất động sản đã giảm mạnh gần 40% so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời cũng không có dự án nào ghi nhận có quy mô lớn như các năm trước.



Vốn FDI vào bất động sản giảm gần 40% so với cùng kỳ

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) 6 tháng đạt 15,67 tỉ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, vốn đăng ký cấp mới vẫn gia tăng do có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn 4 tỉ USD (chiếm 47,4% tổng vốn đăng ký mới).

Dự án lớn đã đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, từ 4,3 triệu USD năm 2019 lên gần 6 triệu USD trong năm 2020. Bên cạnh đó, trong số các dự án điều chỉnh vốn có Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỉ USD.

Riêng vốn góp, mua cổ phần đạt tổng giá trị 3,51 tỉ USD, chỉ bằng 43,2% so với cùng kỳ năm trước. Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 6 tháng năm 2019.

6 tháng đầu năm 2020 ngành kinh doanh bất động sản chỉ thu hút được gần 850 triệu USD. Vốn FDI vào bất động sản đã giảm mạnh gần 40% so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời cũng không có dự án nào ghi nhận có quy mô lớn như các năm trước.

Nguyên nhân được đưa ra đó là bởi dịch COVID-19 đã khiến “dòng tiền” từ nước ngoài đổ vào Việt Nam bị giảm mạnh. Các nhà đầu tư còn e ngại khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới.



Một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, việc nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản giảm mạnh chỉ là tạm thời

Báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam về thị trường bất động sản Việt Nam cho rằng, mặc dù việc thu hút nguồn vốn FDI vào bất động sản sụt giảm, nhưng Việt Nam là quốc gia khống chế được dịch Covid-19 tốt nhất thế giới. Đây sẽ là điểm cộng để các nước thấy Việt Nam là điểm đến an toàn cả về chính trị, kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang đứt gãy, các quốc gia châu Âu, châu Mỹ đang tính đến các giải pháp rời nhà máy khỏi Trung Quốc trong thời gian tới, là cơ hội để Việt Nam đón nhận một "làn sóng" vốn FDI mới, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, việc nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản giảm mạnh chỉ là tạm thời, vì thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ đợi cơ hội để đầu tư vào Việt Nam.

Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, mặc dù hoạt động bất động sản tăng trưởng chậm trong quý I/2020, các tên tuổi quốc tế đã có mặt tại Việt Nam vẫn rất kiên trì với chiến lược đầu tư bằng cách tiếp tục tìm mua tài sản hoặc hợp tác với doanh nghiệp nội địa có uy tín.

Đặc biệt, thời gian qua, thị trường chứng kiến khá nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án trong lĩnh vực bất động sản. Nhóm nhà đầu tư này nhắm tới cao ốc văn phòng, khách sạn và khu dân cư, trải khắp trên cả 3 miền, tập trung nhiều nhất vào Hà Nội và Tp.HCM. Từ năm 2019 đến nay đã có một số dự án lớn đang trong quá trình thương thảo, đàm phán chốt "deal" với tổng giá trị lên tới 0,5 tỷ USD.

Ngoài ra, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 850/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Quyết định này của Chính phủ được kỳ vọng sẽ giúp cho “dòng tiền” từ nước ngoài vào Việt Nam khả quan hơn.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Vốn FDI vào bất động sản 6 tháng đầu năm giảm gần 40% so với cùng kỳ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.