Kiểm soát và xử lý nợ xấu là thách thức lớn
Nợ xấu có thể sẽ tiếp tục xấu và trở thành gánh nặng cho nhiều ngân hàng trong quý IV. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần một giải pháp toàn diện để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu.
Tính đến cuối tháng 9, dư nợ xấu tuyệt đối của 27 ngân hàng niêm yết đã tăng lên 111 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với thời điểm đầu năm. 10/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng , sự gia tăng mạnh của nợ xấu cả về trị số tuyệt đối, tỷ lệ tương đối của nhóm ngân hàng quốc doanh là nguyên nhân chính đẩy tổng nợ xấu của ngành ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng năm 2021.
Cụ thể, 3 ngân hàng: Vietcombank, Vietinbank, BIDV đã chiếm gần 1/2 tổng tín dụng của 27 ngân hàng niêm yết trong việc tăng mạnh tỷ lệ nợ xấu, ảnh hưởng lớn tới con số chung của ngành ngân hàng. Thông tư 03 đã yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng dần các khoản nợ do ảnh hưởng của COVID-19, tái cơ cấu trong 3 năm từ năm 2021 đến năm 2023. Việc gia tăng trích lập dự phòng gây ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của ngân hàng nhưng là giải pháp cần thiết bởi nợ xấu có thể sẽ tiếp tục xấu trong quý IV.
Trong buổi tọa đàm trực tuyến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) với chủ đề "Trao đổi chính sách về xử lý nợ xấu". Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhìn nhận, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 bùng phát dẫn đến sự suy thoái của kinh tế toàn cầu. Việt Nam tuy là nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, quy mô nhỏ nhưng vẫn chịu sự tác động lớn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bởi kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào khu vực, trên thế giới ở tất cả các cấp độ.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, "Sức khỏe hệ thống vừa được cải thiện nay lại phải chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Rủi ro tín dụng đang có xu hướng gia tăng và tạo áp lực nợ xấu. Theo đó, vấn đề kiểm soát và xử lý nợ xấu trong thời gian tới tiếp tục là thách thức rất lớn đối với ngành ngân hàng Việt Nam".
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết thêm, việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn do rào cản dịch bệnh, áp lực nợ xấu đến từ khoản nợ cơ cấu tiềm ẩn rủi ro trong tương lai và việc xử lý nợ xấu càng khó khăn hơn nữa do dịch bệnh COVID-19. Ông Hùng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo với Chính phủ sớm về việc tổng kết Nghị quyết 42 của Quốc hội, kéo dài hiệu lực của Nghị quyết hoặc ban hành Luật xử lý nợ xấu. Xem xét ban ngành Nghị định cho phép khoanh nợ đối với khoản dư nợ do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh từ 1-2 năm.
Các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) đều khuyến nghị cần sớm có giải pháp toàn diện để xử lý nợ xấu hiệu quả. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có một khung chính sách đầy đủ, rõ ràng trong việc xử lý nợ xấu. Không gây trở ngại cho quá trình ổn định tài chính, tăng trưởng kinh tế.
Ông Karlis Bauze, chuyên gia Tài chính Cao cấp, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) chia sẻ về kinh nghiệm của quốc tế trong vấn đề xử lý nợ xấu, "Để có được tỷ lệ nợ xấu còn 3,5%, Chính phủ Serbia thành lập Nhóm công tác xử lý nợ xấu với thành phần là Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Trung ương Serbia và Quỹ bảo hiểm tiền gửi. Trong đó, Bộ Tài chính là cơ quan điều phối hoạt động của Nhóm công tác." Tương tự là nước Albania, tỷ lệ nợ xấu tăng đến 24,9%, Chính phủ Albania cũng thành lập Nhóm công tác xử lý nợ xấu với quan sát viên là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Đến năm 2020, tỷ lệ nợ xấu ở Albania chỉ còn 8,1%.
Theo ông Darryl Dong, Chuyên gia Tài chính trưởng IFC cho biết, việc mở cửa thị trường và tạo môi trường thuận lợi cho việc giao dịch nợ xấu sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thị trường nợ xấu. Đem lại được kết quả tốt, thị trường sẽ có cơ chế thanh lý nợ xấu hiệu quả.