Không chuyển đổi số, báo chí khó tồn tại
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), các cơ quan báo chí nếu không chuyển đổi số thì chắc chắn sẽ không thể tồn tại.
Truyền thông trên nền tảng số là xu hướng
Sự phát triển của công nghệ đã mang đến nhiều cơ hội để mỗi người đều có thể trở thành một "nhà sản xuất nội dung", trực tiếp đăng tải trên các nền tảng số. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thuận lợi thì tồn tại không ít thách thức, khi thời gian qua, không ít thông tin giả, tin chưa được kiểm chứng xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội. Điều này phần nào tạo ra những làn sóng tiêu cực trong dư luận, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng số của các cơ quan báo chí là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu.
Theo ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí cần được thực hiện trong cả tư duy chứ không chỉ dựa vào công cụ.
Ông Lê Quốc Minh phân tích, nếu dựa nhiều vào các nền tảng, báo chí sẽ có lượng truy cập, tuy nhiên sẽ không có độc giả vì không biết độc giả là ai, đến từ đâu. Trong khi đó, lượng truy cập từ mạng xã hội và các nền tảng tìm kiếm khá lớn, nhưng tất cả dữ liệu độc giả thì những nền tảng đó nắm hết.
Vì vậy, để không rơi vào thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh với mạng xã hội trên môi trường truyền thông số, các cơ quan báo chí phải giành lại sự chủ động trong việc thu thập dữ liệu người dùng. Nếu hiểu độc giả, các cơ quan báo chí sẽ nắm phần thắng ít nhất là 50% và chủ động trong việc sản xuất nội dung.
Để phục vụ nhiều đối tượng độc giả khác nhau, các cơ quan có thể sử dụng công cụ để phân tích, nắm bắt nhu cầu người dùng, từ đó sản xuất các nội dung cho phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí có thể tạo sự hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị với nhau để cung cấp nội dung. Tuy nhiên, những nội dung này vẫn phải bảo đảm dựa trên tính định hướng, sự hiểu biết về độc giả.
Sự liên kết này cũng là một trong những giải pháp để báo chí chính thống chống lại mối đe dọa rất lớn trong thời đại truyền thông số, đó là tin giả. Bởi theo ông Lê Quốc Minh, tin giả ngày nay là do những con người cụ thể tạo ra, nhưng về sau sẽ là do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra. Một lượng tin giả lớn như vậy lan truyền trong xã hội và đặc biệt với sự hỗ trợ của mạng xã hội sẽ phát tán rất nhanh, khả năng vấp phải tin giả lớn hơn.
Để giải quyết vấn nạn này, các kênh thông tin chính thống cần phải chuẩn chỉnh, chính xác hơn. Khi lượng thông tin đến ồ ạt, người dùng sẽ tìm đến cơ quan báo chí chính thống để kiểm chứng lại. Lúc này, người dùng rất cần cơ quan chính thống đưa thông tin định hướng, xác thực. Khi đó, báo chí không cần chạy đua với mạng xã hội mà cần tính chính xác. Yếu tố đúng mới là quan trọng.
Chuyển đổi số mang tính sống còn với báo chí
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí nếu không chuyển đổi số chắc chắn sẽ không thể tồn tại. Tuy nhiên, khó khăn mà các cơ quan báo chí đang phải đối mặt đó là đầu tư thế nào và cách bắt đầu ra sao.
“Hiện nhiều cơ quan báo chí tự cân đối ngân sách cũng rất khó khăn chứ không nói gì đến câu chuyện đầu tư phát triển. Do đó, Nhà nước cũng có thể có những nguồn lực để đầu tư từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, Nhà nước có vai trò quan trọng hơn là dẫn dắt, kéo những doanh nghiệp trong nước có hạ tầng số lớn có thể đồng hành với việc chuyển đổi số của báo chí”, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lâm, ở đây không phải là doanh nghiệp giúp báo chí mà là cộng sinh trong hệ sinh thái số. Trong đó, nội dung là hàng hóa quan trọng nhất của hạ tầng số, sau đó là của nền kinh tế nói chung. Nhà nước sẽ có những định hướng, dẫn dắt các cơ quan báo chí nên làm gì trước sao cho vừa sức, có những cách làm chuyển đổi số nói ít làm nhiều, đi theo cách hiệu quả.
Hiện tại, chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030 đang được trình Thủ tướng Chính phủ. Khi chiến lược được phê duyệt sẽ cho chúng ta những nền tảng để nói một cách sở cứ (căn cứ và cơ sở) hơn về cách mà Nhà nước sẽ tiếp cận và đồng hành với câu chuyện chuyển đổi số của báo chí.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, truyền thông mới trên không gian internet phải đảm bảo sự tương tác giữa người đọc và người xem; đồng thời, chúng ta chịu sự giám sát cũng như tương tác liên tục. Một câu chuyện chúng ta kể ra sẽ có vòng đời riêng của nó, không chỉ giới hạn ở mấy phút video clip nữa mà còn là toàn bộ comment, sự bổ sung. Ngoài ra, trên không gian số chúng ta có cơ hội chưa bao giờ có là tìm được người xem thực sự của mình là ai, dữ liệu về những hành vi khác của họ. Từ đó bên cạnh việc biết họ đang xem thông tin gì của mình, chúng ta có thể phục vụ họ tốt hơn.
Bảo Lâm