0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 01/11/2021 16:29 (GMT+7)

Không bắt kịp hạn chót giá FIT, các dự án điện gió sẽ ra sao?

Số nhà máy điện gió hoàn thành thủ tục và được công nhận vận hành thương mại (COD) hòa lưới điện quốc gia trước ngày 31/10 là 42/106 nhà máy. Vậy, 64 nhà máy sẽ ra sao khi không bắt kịp thời hạn để được hưởng giá FIT?

Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: trong số 42 nhà máy, phần nhiều đã vận hành thương mại thành công 100% công suất. Còn một số nhà máy chỉ mới hòa lưới một phần công suất như Dự án điện gió ngoài khơi số 7A Sóc Trăng mới được công nhận COD 33,40MW (tổng công suất 50 MW), Ea Nam được công nhận 289,70 MW (tổng 400,00 MW); Hòa Bình 1 – giai đoạn 2 công nhận 42,20 MW (tổng 50 MW); Nhơn Hội – Giai đoạn 1 là 20 MW (tổng 30 MW), VPL Bến Tre 16,80 MW (tổng 29,40 MW)…

tm-img-alt
Điện gió đang ngóng đợi những chính sách tiếp theo.

Số liệu trên công bố cuối ngày 29/11, theo EVN, còn 2 ngày cuối tuần 30 và 31/10, các đơn vị liên quan của EVN sẽ tích cực phối hợp với các nhà máy điện gió đã đăng ký thử nghiệm để kịp công nhận vận hành thương mại (COD) và sẽ công bố bổ sung sau ngày này.

Giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng/kWh) và trên bờ là 8,5 cent/kWh (khoảng 1.927 đồng/kWh) đó là theo Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ. Giá này chưa bao gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 01/11/2021.

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng cho biết: Bộ Công Thương sẽ không xem xét gia hạn hay kiến nghị Chính phủ gia hạn giá ưu đãi cố định (giá FIT) với các dự án điện gió vận hành sau ngày 31/10.

Bộ Công Thương sẽ có báo cáo kết quả gửi Thủ tướng Chính phủ sau ngày 31/10. Đối với dự án đang xây dựng có xem xét đến các tác động khiến dự án dở dang, không kịp đưa vào vận hành để trình Thủ tướng có cơ chế giải quyết trên cơ sở chi phí, vốn đầu tư, vận hành bảo dưỡng nhà máy, các yếu tố kinh tế kỹ thuật, chủ đầu tư thương thảo với bên mua điện để có giá mua điện hợp lý.

Với các quy định mới như vậy, thì việc lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió cơ bản sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu và đàm phán với EVN về giá mua bán điện theo khung giá do Bộ Công Thương ban hành.

Hàng loạt nhà máy chậm được công nhận COD do đâu?

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã như “ngồi trên đống lửa” từ đầu năm 2021 vì lo lắng tiến độ thi công để kịp vận hành thương mại (COD) trước ngày 01/11.

Từ khi tình hình dịch bệnh hoành hành, nhất là khi làn sóng COVID-19 thứ tư bùng phát, việc đáp ứng thời hạn này là rất khó khăn.

Không khó để nhận ra ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp sản xuất nói chung và doanh nghiệp điện gió nói riêng trong giai đoạn gấp rút như vậy. Biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch suốt mấy tháng dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực, thời gian thi công kéo dài...

Các nhà cung cấp thiết bị đã kích hoạt điều kiện bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh trong hợp đồng để giao hàng chậm, thêm vào đó là tình hình vận chuyển khó khăn, “ngăn sông cấm chợ” do đó tiến độ cung cấp tua bin bị chậm. Hoạt động kiểm tra, hoạt động nhập khẩu hàng hóa và nhập cảnh của chuyên gia bị kéo dài bởi các yêu cầu về giãn cách, cách ly phòng chống dịch bệnh, kiểm định công trình gián đoạn…

Đây là tình trạng bất khả kháng, ngoài tầm kiểm soát mà không doanh nghiệp hay nhà đầu tư nào mong muốn.

tm-img-alt
Điện gió ngoài khơi Tân An 1 Cà Mau liên tục thi công ngày đêm để kịp tiến độ.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), ngoài nguyên nhân khách quan do dịch bệnh thì nhiều nhà máy điện gió chưa được công nhận COD bởi còn thiếu giấy tờ liên quan đến nghiệm thu công trình đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.

Theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP (Điều 23 khoản 3), công trình, hạng mục được đưa vào khai thác, sử dụng khi đáp ứng điều kiện được nghiệm thu theo quy định và cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. Một trong những căn cứ chấp thuận hoàn thành hạng mục công trình là văn bản chấp thuận nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Nhiều chủ đầu tư dự án điện gió rất sốt ruột về việc thiếu giấy tờ, bởi nếu không kịp có để hoàn thiện hồ sơ đủ điều kiện công nhận COD trước ngày 31/10/2021 thì số phận của dự án chưa biết sẽ đi đâu về đâu khi không nhìn thấy dòng tiền vào để trả nợ các khoản vay.

Sẽ đối mặt với vấn đề gì  khi điện gió không kịp công nhận COD?

Trước thời điểm hết hạn chính sách, các dự án không kịp vận hành sẽ rơi vào thời điểm "trống" chính sách và buộc phải chờ Chính phủ ban hành cách áp dụng giá mới.

Doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng giống như điện mặt trời là hoàn thành mà không có giá, không tạo doanh thu, không có tiền trả ngân hàng (đặc thù của điện gió là tỷ suất đầu tư rất lớn)…

Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời tỉnh Bình Thuận Bùi Văn Thịnh cho hay: dự đoán khoảng 50% các dự án điện không đáp ứng được điều kiện để hòa lưới, kéo theo rất nhiều hệ lụy từ vỡ phương án tài chính, công ty phá sản, nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Việt Nam.

Đại diện Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) Mark Hutchinson cũng cho biết, việc gia hạn giá FIT thêm 6 tháng cho các dự án điện gió sau ngày 31/10 năm nay sẽ tránh rủi ro cho gần 7 tỷ USD (trong đó hơn 6,5 tỉ USD chi phí tài sản cố định, 151 triệu USD chi phí vận hành trong 25 năm vòng đời các dự án) và gần 21.000 việc làm trong tương lai ở Việt Nam.

Doanh nghiệp đề xuất

Trong nhiều tháng qua, các nhà đầu tư điện gió và UBND các tỉnh, thành phố có dự án điện gió như Gia Lai, Đắk Nông, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bình Thuận… đã gửi các báo cáo, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương xin lùi thời hạn COD từ 2 tháng đến một năm.

Đại diện Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) cho rằng, nếu không có các biện pháp cứu trợ cho ngành điện gió bằng việc cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, những dự án này sẽ chịu những tổn thất ngoài dự kiến do đại dịch gây ra. Quyết định lùi thời hạn áp dụng giá FIT không chỉ đảm bảo tính khả thi các dự án điện gió trên bờ mà còn khuyến khích đầu tư vào ngành điện gió ngoài khơi trong tương lai.

Có ý kiến cho rằng, để đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa nhà đầu tư và Nhà nước khi họ bỏ vốn lớn vào năng lượng tái tạo giúp đảm bảo an ninh năng lượng.

Vì lẽ đó, Nhà nước cần khảo sát tình hình thực tế tại doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chậm vận hành vì dịch bệnh chứ không phải lỗi của họ thì nên có cơ chế đảm bảo quyền lợi, lùi thời hạn được hưởng giá ưu đãi cho họ. Nên lùi đúng bằng khoảng thời gian các quy định giãn cách xã hội tác động đến doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2035, điện gió ngoài khơi có khả năng đáp ứng 12% nhu cầu điện của Việt Nam. Bài học về cuộc khủng hoảng năng lượng cho thấy vai trò rất quan trọng của điện tái tạo. Giá khí đốt, nhiên liệu có thể biến động mạnh nhưng giá năng lượng tái tạo chỉ theo xu hướng giảm theo đà giảm của thiết bị.

Thay thế điện than sẽ giúp Việt Nam giảm 200 triệu tấn khí CO2 thải ra, đồng thời đem lại thêm ít nhất 50 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam từ chuỗi cung ứng trong nước mạnh mẽ, việc làm được tạo thêm và xuất khẩu… Cũng nhờ đó, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều khoản tài chính và đầu tư quốc tế dài hạn hơn cho biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, việc chủ động nguồn điện là vấn đề đáng lưu tâm với các quốc gia. Trong khi điện gió là nguồn điện thân thiện với cả môi trường lẫn lưới điện. Điện gió có thể dự báo trước từ 10 ngày, phát điện cả ngày lẫn đêm và hệ số công suất của điện gió gấp đôi điện mặt trời nên hiệu quả của điện gió cao hơn nhiều.

Với hơn 3.000 km đường bờ biển, nguồn lợi điện gió ngoài khơi của Việt Nam vô cùng dồi dào, vì thế Việt Nam đang trở thành một thị trường điện gió ngoài khơi mới nổi.

Bạn đang đọc bài viết Không bắt kịp hạn chót giá FIT, các dự án điện gió sẽ ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023