Khoai lang Đồng Tháp - sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu
Hiện huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) đang từng bước sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP cho các sản phẩm chế biến từ khoai lang.
Thời gian qua, sản phẩm khoai lang, khoai môn mang lại thu nhập ổn định cho nông dân tỉnh Đồng Tháp. Gần đây, khoai lang được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp canh tác với tổng diện tích canh tác hàng năm khoảng 3.000ha, tập trung nhiều ở các xã: Tân Phú, Phú Long và Hòa Tân. Trong vụ khoai lang đông xuân 2019 - 2020, nông dân huyện Châu Thành xuống giống hơn 73ha giống khoai lang tím Nhật, năng suất bình quân 25 tấn/ha, sản lượng đạt 18.250 tấn.
Bên cạnh khoai lang, khoai môn cũng được phát triển ở Đồng Tháp. Trong vụ hè thu 2019, toàn tỉnh có gần 500ha diện tích trồng khoai môn, với năng suất bình quân 20-30 tấn/ha, tập trung ở các huyện: Lấp Vò, Thanh Bình và Tam Nông. Đặc biệt, khoai môn ở huyện Lấp Vò được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu hàng hóa năm 2019.
Khoai lang Đồng Tháp - sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu |
Mặc dù sản phẩm mang lại giá trị kinh tế ổn định nhưng thị trường tiêu thụ mặt hàng khoai chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước và chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc và Campuchia. Trong khi đó, khoai lang, khoai môn vẫn đủ khả năng tiếp cận các thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Tuy nhiên, để mặt hàng này xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo các chuyên gia, đến nay, vẫn chưa có các nghiên cứu hệ thống về vấn đề bảo quản khoai tươi. Hiện nay, khoai lang, khoai môn được nông dân bảo quản theo kiểu truyền thống nên nông sản chỉ lưu giữ được một thời gian ngắn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, phương pháp bao gói bằng bao bì PE, PP dễ làm tổn thương cơ học, gây thối rữa.
Hiện, huyện Châu Thành đang từng bước sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP cho các sản phẩm chế biến từ khoai lang, từng bước sản xuất theo tiêu chuẩn để xuất khẩu, hướng đưa khoai lang vào chế biến thành sản phẩm OCOP chất lượng cao. Hướng từ cánh đồng sản xuất nguyên liệu ra đến sản phẩm OCOP. Song song đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân trồng khoai; phát triển đa dạng các sản phẩm từ khoai lang gắn với Chương trình OCOP của địa phương.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm