0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 22/06/2021 12:21 (GMT+7)

Kế hoạch bán công ty tài chính của SHB, MSB hiện ra sao?

Năm 2020, MSB và SHB lên kế hoạch bán công ty tài chính tiêu dùng nhưng đều đổ vỡ. Sang năm 2021, liệu ngân hàng có hoàn thành kế hoạch.

Năm 2020, ngân hàng lên kế hoạch bán công ty tài chính... nhưng bất thành

Hiện thị trường Việt Nam đang có 16 công ty tài chính hoạt động, trong đó có 6 đơn vị là thành viên của các ngân hàng lớn trong nước gồm Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) của MSB, Công ty TNHH HD Saison của HDBank, Công ty tài chính SHB Finance của SHB, Công ty TNHH tài chính MCredit của MB, Công ty tài chính bưu điện của SeABank và Công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit) của VPBank.

Trong năm 2020 ghi nhận 3 ngân hàng rao bán công ty tài chính của mình là SHB, MSB và VPBank. Tuy nhiên, các kế hoạch này đều vỡ.

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, tại ĐHCĐ năm 2020 của SHB, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB đã thông tin việc thoái vốn tại Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHBFC) cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. SHBFC có tiền thân là Công ty tài chính Vinaconex Viettel, do quy định cơ cấu hệ thống các công ty tài chính của Chính phủ và NHNN nên sáp nhập vào SHB. Hiện SHBFC có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng do SHB sở hữu 100% vốn.

Thời điểm năm 2020, ban lãnh đạo SHB cho biết, đây là hướng đi phù hợp với xu thế thị trường và với hoạt động của công ty hiện nay theo Đề án thành lập Công ty SHBFC đã được NHNN phê duyệt.

Khi ấy, một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề hợp tác với SHB để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng. Theo đó, ông Đỗ Quang Hiển đã rất tin tưởng thương vụ sẽ thành công trong năm 2020. Tuy nhiên, đến hết năm 2020 không có hoạt động gì xảy ra.

Tại ĐHCĐ 2021, câu chuyện bán vốn tại SHBF tiếp tục được SHB đưa ra. Ban Lãnh đạo ngân hàng này tiết lộ, đã lựa chọn 2-3 đối tác nước ngoài lớn để đàm phán thoái vốn.

Cùng hoàn cảnh, tại Đại hội đồng cổ đông của MSB năm 2020 lãnh đạo nhà băng này thông tin đã tìm được nhà đầu tư là Công ty TNHH Hyundai Card để chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) với giá 42 triệu USD. Việc mua bán đã được ký kết từ cuối năm 2019. Ngay sau đó, FCCOM đã nộp hồ sơ trình NHNN chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần theo quy định. Tuy nhiên, thương vụ này đã bị hủy bỏ.

FCCOM tiền thân là Công ty Tài chính dệt may, được MSB mua lại năm 2015 và chủ trương bán cho nước ngoài từ năm 2018.

Trả lời câu hỏi của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên MSB sáng ngày 24/3/2021, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho hay, năm 2020, MSB ký kết hợp đồng bán 50% vốn FCCOM cho Hyundai Card. Toàn bộ quá trình chuyển đổi, đánh giá đã gần như kết thúc. Tuy nhiên, cuối năm 2020, khi Covid-19 ập tới, các cổ đông lớn của Hyundailại chuyển hướng kinh doanh tại Việt Nam và châu Á, nên không hoàn thành thương vụ này. Phía Hyundai cũng đã bồi thường một phần cho MSB.

Đồng thời vị lãnh đạo này cho biết thêm: “MSB đang làm việc với một đối tác nước ngoài khác, hiện gần như kết thúc quá trình đàm phán để định giá, hy vọng việc thoái vốn khỏi FCCOM sẽ mang lại khoản lợi nhuận tương đối lớn cho MSB”.

Riêng VPBank, tuy vỡ kế hoạch bán công ty tài chính trong năm 2020 nhưng vào cuối tháng 4 vừa qua, VPBank thông báo ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) để bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit với mức định giá là 2,8 tỉ USD.

Vì sao Ngân hàng mẹ lại đem bán ‘con gà đẻ trứng vàng’?

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của FCCOM đạt hơn 621 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 606,8 tỉ đồng, hầu như không tăng so với năm trước. Dư nợ tín dụng của công ty cũng chỉ đạt 322 tỉ đồng, tăng 1,4 tỉ đồng so với năm 2019.

Tuy nhiên, nợ xấu của FCCOM tăng vọt lên 28,4 tỉ đồng, cao hơn 10,1 tỉ đồng năm 2019 và chiếm tới 8,83% tổng dư nợ. Năm 2019, nợ xấu của công ty này chỉ 3,15%. Nợ xấu tăng cao khiến công ty phải nâng trích lập dự phòng lên 36.7 tỉ đồng.

Kết thúc năm 2020, lợi nhuận của FCCOM chỉ đạt 2,3 tỉ đồng, giảm 64% so với năm 2019.

Tại SHBFC, tính đến 31/12/2020, tổng tài sản SHBFC đạt mức 4.098 tỉ đồng, tăng 810 tỉ đồng tương ứng tăng 24% so với năm 2019. Cho vay đạt 3.689 tỉ đồng, tăng 962 tỉ đồng, tương ứng tăng 35,3% so với năm 2019. Tổng thu nhập thuần đạt 1.072 tỉ đồng, tăng 357 tỉ đồng so với năm 2019. Chi phí hoạt động quản lý 411 tỉ đồng, tăng 66 tỉ đồng so với năm 2019.

Kết thúc năm 2020, lãi trước thuế tại SHBFC chỉ đạt 70,7 tỉ đồng trong khi năm 2019 đạt 107 tỉ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, làn sóng rút một phần vốn khỏi công ty tài chính tiêu dùng của các ngân hàng mẹ là do thị trường vay tiêu dùng đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt vì lợi nhuận đem lại vẫn hấp dẫn nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào thị trường này.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 tác động khiến chất lượng tài sản của các công ty tài chính tiêu dùng bị sụt giảm, kết quả kinh doanh của nhiều công ty giảm mạnh. Báo cáo mới đây của FinGroup cũng cho biết, năm 2020, thị trường tài chính tiêu dùng lần đầu tiên trong một thập kỷ ghi nhận tăng trưởng ở mức một con số.

Bên cạnh đó, Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng có thể khiến lợi nhuận của các công ty này gặp khó khăn. Theo đó, mức trần của các khoản vay bằng tiền mặt bị khống chế.

Cụ thể, tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại các công ty tài chính sẽ giảm từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 70%; từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 60%; từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là 50%, còn từ 1/1/2024 là 30%.

Trong khi đó phần lớn khách hàng đến với công ty tài chính tiêu dùng là có nhu cầu tiền mặt, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính này mua hàng khá thấp. Như ở FE Credit có thời điểm cơ cấu cho vay tiền mặt lên tới 76%, HD SAISON cơ cấu cho vay tiền mặt 33%, MCredit cho vay tiền mặt 70%...

Một nguyên nhân khiến ngân hàng bán vốn là do các công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt là các công ty 100% vốn của các ngân hàng đang gây nhiều tiếng xấu trong dư luận.

Đó là các hành vi "khủng bố" điện thoại, dùng ảnh cá nhân của khác hàng trả chậm, thậm chí ảnh người thân, hàng xóm của khách hàng, những người không liên quan đến giao dịch vay vốn và đưa lên mạng xã hội để "khủng bố tinh thần"... Những điều này ít nhiều làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của ngân hàng mẹ trên thị trường bán lẻ.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Kế hoạch bán công ty tài chính của SHB, MSB hiện ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới