Cuộc đua tăng vốn ngành ngân hàng đã 'ngã ngũ'?
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh cũng thi nhau tăng vốn sau thời gian 'dậm chân tại chỗ'.
Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2021 đang dần kết thúc nhưng câu chuyện tăng vốn vẫn tiếp tục là chủ đề nóng. Loạt ngân hàng đồng loạt tăng vốn nhằm củng cố tiềm lực tài chính, giúp ngân hàng trụ vững để ứng phó tốt hơn với tình trạng dịch COVID-19 kéo dài.
Theo SSI Research, có khoảng 16 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2021 và đã được ĐHĐCĐ thông qua. Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82.700 tỷ đồng (tăng 31% so với năm 2020). Chiếm 75% con số này (tương đương 61.800 tỷ đồng) ước tính tăng thông qua phương án chia tách cổ phiếu.
Còn lại, số vốn khoảng 18.300 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 22%), được tăng từ phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu. Số ít sẽ được thông qua phát hành ESOP, với tổng giá trị khoảng 2.600 tỷ đồng (3%).
Nhóm ngân hàng cổ phần dồn dập tăng vốn |
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, loạt nhà băng đưa ra những con số tăng trưởng khá ấn tượng, có ngân hàng dự kiến tăng tới hơn 60% vốn điều lệ trong năm 2021.
Cụ thể, ngày 20/5 vừa qua, ngân hàng SHB đã phát hành hơn 175 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên mức hơn 19.260 tỷ đồng, vốn tự có lên 38.959 tỷ.
Bên cạnh đó, trong năm nay, SHB sẽ tăng vốn từ việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:28, giá chào bán dự kiến 12.500 đồng/cổ phiếu, thời gian phát hành dự kiến là quý 3/2021.
Giữa tháng 5/2021, ngân hàng ACB cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm gần 5.404 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Theo phương án được đại hội cổ đông thường niên thông qua đầu tháng 4, ACB dự định phát hành thêm hơn 540 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 25%) để trả cổ tức năm 2020. Như vậy, nếu phát hành thành công, ACB sẽ nâng tổng mức vốn điều lệ lên 27.019 tỷ đồng, tương đương tăng 25%.
Tương tự, VIB được phép tăng vốn điều lệ tối đa thêm gần 4.438 tỷ đồng bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40% cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn. Sau khi chia cổ phiếu thưởng, quy mô vốn của VIB sẽ lên mức tối đa hơn 15.531 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua, ngân hàng còn dự kiến chào bán tối đa hơn 46,5 triệu cổ phiếu, tiếp tục nâng vốn lên khoảng 16.000 tỷ đồng.
Hay tại NCB, ngân hàng sẽ tăng vốn lên hơn 7.000 tỷ đồng từ việc chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tổng giá trị chào bán tương đương 1.500 tỷ đồng và phát hành 3.000 trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành tương đương 3.000 tỷ đồng.
Tương tự, VietABank cũng kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.400 tỷ đồng bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu; Ngân hàng Bản Việt lên phương án tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng; VietBank được chấp thuận tăng vốn lên gần 4.780 tỷ đồng; SCB được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa thêm 5.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Ngân hàng Nam A Bank cũng kế hoạch tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng từ 6.564 tỷ đồng lên hơn 8.564 tỷ đồng. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, ngân hàng đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ 4.564 tỷ đồng lên 6.564 tỷ đồng và đang chờ Ngân hàng Nhà nước thông qua.
Đáng chú ý, Ngân hàng ABBank cũng lập phương án tăng vốn điều lệ từ 5.713 tỷ đồng lên hơn 9.409 tỷ đồng trong năm 2021, tương đương tăng gần 65%.
Nhóm ngân hàng quốc doanh cũng thi nhau tăng vốn
Các năm trước, vấn đề tăng vốn là câu chuyện nan giải tại các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, năm 2021 các nhà băng này đã tự tin đưa ra kế hoạch tăng vốn khi nút thắt pháp lý đã được nới lỏng.
Tại BIDV, trong ĐHĐCĐ tháng 3 vừa qua, BIDV đã trình cổ đông thông qua phương án tăng 20,3% vốn điều lệ lên 48.524 tỷ theo phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm.
Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Đồng thời, ngân hàng dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Còn nhớ, trong năm 2020 BIDV đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 6.230 tỷ đồng (tương ứng tăng 15,5%). Tuy nhiên, việc tăng vốn bất thành do yêu cầu chia cổ tức bằng tiền mặt của cơ quan nhà nước trong năm 2020 và điều kiện thị trường chưa phù hợp cho việc chào bán cổ phiếu mới.
Tại Vietcombank, năm nay ngân hàng sẽ lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên trên 50.000 tỷ đồng. Phương án tăng vốn điều lệ được chia thành 2 cấu phần:
Thứ nhất, Vietcombank dự kiến phát hành hơn 1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 27,6% từ lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức 8%; Thứ hai, phát hành cổ phiếu riêng lẻ quy mô tối đa 6,5% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính, có thể gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu.
Trong đợt chào bán riêng lẻ, Vietcombank này dự kiến phát hành cho đối tác chiến lược Mizuho (Nhật Bản) tối thiểu 46 triệu cổ phiếu để giữ tỷ lệ sở hữu ít nhất 15% và phát hành thêm cho nhà đầu tư khác.
Tại Vietinbank cũng lên kế hoạch chia cổ tức 12%, trong đó cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% và phần còn lại 7% bằng cổ phiếu.
Như vậy, Vietcombank đứng đầu hệ thống ngân hàng với kế hoạch tăng vốn điều lệ nhiều nhất, 12.900 tỷ đồng, lên mốc 50.000 tỷ đồng. Nếu thành công, ngân hàng này sẽ vượt qua BIDV và VietinBank để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất vào cuối năm nay.
Trong khi đó kế hoạch tăng vốn tại BIDV và VietinBank lần lượt là 8.300 tỷ đồng và 10.800 tỷ đồng, lên 48.500 tỷ đồng và 48.000 tỷ đồng.
Tăng vốn liệu tồn tại rủi ro?
Đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng các ngân hàng có xu hướng phục hồi và được nhiều chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tích cực trong năm khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Do đó, mục tiêu tăng vốn lại tiếp tục được đặt ra đối với các tổ chức tín dụng để có thể tăng trưởng cho vay khi nền kinh tế phục hồi trở lại.
Việc nhiều ngân hàng ưu tiên phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu hơn cho thấy họ cũng đang khá sốt ruột cho việc tăng vốn.
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ngân hàng nào có vốn chủ sở hữu dồi dào sẽ dễ dàng trụ vững, ngược lại ngân hàng nào có vốn chủ sở hữu mỏng có nguy cơ bị mất thanh khoản.
Bởi vậy, việc tăng vốn điều lệ cho ngân hàng là cần thiết để gia cố "gối đệm" trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh, cũng như nâng cao tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II và hướng tới tuân thủ Basel III. Đây cũng là yêu cầu cần thiết về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, quản lý vốn theo chuẩn mực quốc tế.
Mặt khác, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cảnh báo, khi ngân hàng tăng vốn, áp lực đảm bảo mức lợi nhuận cũng phải tăng theo. Nếu các ngân hàng hướng tới tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá để đẩy cao lợi nhuận thì rất nhiều rủi ro, dễ khiến chất lượng tài sản suy giảm.
Cũng cần lưu ý, tính toán vốn kinh tế và phân bổ vốn tự có là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để điều hành ngân hàng. Cuộc chạy đua tăng vốn điều lệ sẽ khiến công việc phân bổ vốn trong hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn hơn.
Ngoài ra, có nhiều ngân hàng dự kiến tăng vốn qua phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu. Tăng vốn qua phương pháp này phụ thuộc nhiều vào khả năng tài chính của các cổ đông, chưa kể đến những quy định ràng buộc về pháp lý có liên quan đến việc đầu tư của các tổ chức.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo