0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 01/02/2023 15:34 (GMT+7)

IMF lạc quan về kinh tế thế giới trong năm 2023

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đang sáng sủa hơn khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 và thế giới cũng cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên.

Kinh tế tăng trưởng lạc quan

IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay, cao hơn dự báo về mức tăng trưởng 2,7% đưa ra hồi tháng 10, song vẫn giảm so với mức tăng trưởng ước tính 3,4% trong năm 2022.

Theo IMF, lạm phát sẽ giảm trong năm nay, nhờ chính sách tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác. Những đợt tăng lãi suất dự kiến sẽ làm chậm nhu cầu tiêu dùng vốn đã đẩy giá cả lên cao hơn. IMF dự kiến lạm phát tiêu dùng toàn cầu sẽ giảm từ 8,8% năm 2022 xuống 6,6% vào năm 2023 và 4,3% vào năm 2024.

tm-img-alt
IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay

Tại một cuộc họp báo ở Singapore, nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhận định môi trường toàn cầu đã cải thiện khi áp lực lạm phát bắt đầu dịu bớt. Ông Gourinchas nói: “Con đường trở lại phục hồi hoàn toàn với tăng trưởng bền vững, giá cả ổn định chỉ mới bắt đầu.”

Một yếu tố quan trọng góp phần khiến IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu là quyết định dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch của Trung Quốc vào cuối năm ngoái. IMF cho rằng quyết định mở cửa trở lại gần đây của Trung Quốc đã mở đường cho đà phục hồi nhanh hơn dự kiến.

IMF đang kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, tăng so với dự báo 4,4% đưa ra hồi tháng 10.

Năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 3%, ghi dấu năm đầu tiên sau hơn 40 năm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc thấp hơn so với kinh tế thế giới. Song, việc chấm dứt các chính sách hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 dự kiến sẽ hồi sinh hoạt động kinh tế trong năm 2023.

Theo ông Gourinchas, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm một nửa mức tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, trong khi Mỹ và châu Âu đóng góp 10%.

Ông Gourinchas nói: “Việc Trung Quốc mở cửa trở lại chắc chắn là một yếu tố thuận lợi với việc thúc đẩy nhiều hoạt động kinh tế hơn.”

IMF dự báo trong năm 2023 kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,4%, kinh tế Khu vực đồng euro sẽ mở rộng 0,7%.

Xen lẫn những rủi ro

IMF cho biết châu Âu đang chịu ảnh hưởng tiêu cực do tình trạng thiếu năng lượng và lạm phát cao hơn do xung đột Nga-Ukraine, song khối này đã phục hồi tốt hơn dự kiến. Kinh tế châu Âu đã hưởng lợi nhờ mùa đông tương đối ấm, giúp làm giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên.

Gánh lệnh trừng phạt, kinh tế Nga cũng tỏ ra mạnh mẽ hơn dự kiến. IMF dự báo kinh tế Nga sẽ đạt mức tăng trưởng 0,3% trong năm nay, đánh dấu sự cải thiện sau khi thu hẹp 2,2% trong năm ngoái và cao hơn nhiều so với dự báo giảm 2,3% trong năm 2023 mà IMF đã dự báo đối với kinh tế Nga vào tháng 10.

Trong khi đó, Anh là một ngoại lệ. IMF dự báo trong năm 2023 kinh tế nước này sẽ giảm 0,6% trái ngược với dự kiến tăng trưởng 0,3% đưa ra trong tháng 10. Môi trường lãi suất cao hơn và sự thắt chặt ngân sách chính phủ đang bó hẹp kinh tế Anh.

Trả lời dự báo của IMF, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết: “Những con số trên cho thấy chúng ta không miễn nhiễm với những sức ép ảnh hưởng đến gần như tất cả nền kinh tế tiên tiến. Những thách thức ngắn hạn không thể che khuất triển vọng dài hạn của chúng ta.”

Theo ông Hunt, kinh tế Anh đã phục hồi tích cực hơn so với nhiều dự báo trong năm ngoái và nếu nước này tuân thủ kế hoạch giảm một nửa lạm phát, kinh tế Anh sẽ tăng trưởng nhanh hơn Đức và Nhật Bản trong những năm tới.

Tuy nhiên, IMF cũng lưu ý rằng kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng: sự leo thang xung đột Nga-Ukraine, đà tăng mạnh các ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc và nguy cơ khủng hoảng tài chính tại các quốc gia nợ nần chồng chất do lãi suất cao.

Không lạc quan như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) ba tuần trước đã cắt giảm gần một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 1,7% đồng thời cảnh báo kinh tế thế giới sẽ tiến gần đến suy thoái.

Ủy ban Thị trường mở Liên bang của FED đã bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày và tốc độ tăng lãi suất dự kiến sẽ là 0,25%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Tuy nhiên, việc FED làm chậm đã tăng lãi suất vẫn phản ánh cái nhìn thận trọng của cơ quan này trong cuộc chiến chống lạm phát, ngay cả sau những đợt tăng lãi kỷ lục trong chưa đầy 1 năm qua.

Quyết định cuối cùng của FED sẽ được công bố lúc 14h ngày 1/2 theo giờ Mỹ, tức là khoảng 2h sáng ngày 2/2 theo giờ Hà Nội. Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ thông báo tóm tắt với giới truyền thông về quyết định của họ 30 phút sau đó.

Nếu đúng, đây sẽ là lần đầu tiên FED tăng lãi suất 0,25% sau 4 lần tăng 0,75% và 1 lần tăng 0,5%. Đây cũng là mức tăng tương đương đầu chu kỳ, mức thấp nhất kể từ khi FED bắt đầu tăng lãi hồi tháng 3 năm ngoái.

Nguyễn Hà 

Bạn đang đọc bài viết IMF lạc quan về kinh tế thế giới trong năm 2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.