0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 07/07/2022 14:00 (GMT+7)

Hoàn thiện chính sách, xây dựng lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi

Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió ngoài khơi hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một trong những nguồn cung chủ đạo của hệ thống năng lượng trong tương lai, từ đó giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Điểm nghẽn trong phát triển điện gió ngoài khơi

Việt Nam có tài nguyên về điện gió thuộc loại tốt nhất thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá điện gió ngoài khơi là tốc độ gió lớn, ổn định trong thời gian dài, đặc biệt là ở khu vực miền Trung, Nam bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận. Bên cạnh đó là những điều kiện khác như đáy biển, độ sâu mặt nước. Những yếu tố này cho phép xây dựng những dự án lớn với công nghệ, giá cạnh tranh.

Đó là nhận định của ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia của Ørsted tại Việt Nam. Với hơn 3.000 km bờ biển, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi, kể cả ở khu vực miền Bắc.

Điện gió ngoài khơi có quy mô công suất 1 GW có thể thu hút đầu tư nước ngoài khoảng 2,5 tỷ USD, tạo 15.000 việc làm chất lượng cao, đóng góp cho ngân sách. Ngoài ra còn tạo nhiều cơ hội cho phát triển ngành công nghiệp năng lượng; phát triển và chuyển đổi chuỗi cung ứng trong ngành dầu khí, đóng tàu. Ví dụ như 25 % trụ tháp điện gió tại các dự án của Ørsted trong 6 năm qua đã được sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, lợi ích quan trọng mà điện gió ngoài khơi mang lại là góp phần quan trọng cho Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Phát biểu tại hội thảo “Kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Với sự quan tâm đó, hệ thống điện quốc gia Việt Nam hiện đã có những bước phát triển vượt bậc. Đến hết năm 2021, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đã đạt trên 78.120 MW, hệ thống điện quốc gia đã có dự phòng công suất tuy không đồng đều cho tất cả các vùng, miền.

Hoàn thiện chính sách, xây dựng lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi - Ảnh 1
Với hơn 3.000 km bờ biển, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi, kể cả ở khu vực miền Bắc.

Tuy nhiên, theo nhận định của Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng, vẫn còn điểm nghẽn khi phát triển điện gió ngoài khơi, đó chính là Quy hoạch không gian biển.

“Khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi vẫn còn vướng vì ngoài việc giá trị đầu tư vốn lớn, còn liên quan đến các ngành như dầu khí, hàng hải, thủy sản và đặc biệt là an ninh quốc phòng...”, ông Phạm Nguyên Hùng nhìn nhận và cho rằng, thực tế, điện gió ngoài khơi có chu trình đầu tư khác biệt rất nhiều so với điện gió trên bờ, ở chỗ phạm vi quản lý biển dưới 6 hải lý thì thuộc cấp tỉnh, nhưng trên 6 hải lý là phải cấp cao hơn. Đây cũng là vấn đề cần tìm ra giải pháp sớm.

Trước đó, tại Hội thảo “Lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: Hướng đến mục tiêu Quy hoạch Điện VIII và cam kết Net Zero", bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T cho rằng, quá trình phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư bị kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi vào năm 2030 (7.000MW hoặc cao hơn khi điều kiện cho phép).

Hiện, Dự thảo Quy hoạch điện VIII chỉ mới phân bổ công suất điện gió ngoài khơi theo vùng, chưa có phân bổ theo địa phương. Sau khi Quy hoạch VIII được phê duyệt, Bộ Công thương mới dự kiến tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch, làm cơ sở để xác định quy mô công suất các dự án phân theo từng địa phương, tiếp đó mới đến công tác lựa chọn nhà đầu tư…

Do vậy, bà Bình nhấn mạnh, nếu việc phê duyệt quy hoạch, lựa chọn dự án, lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi không sớm được đẩy nhanh theo các trình tự thủ tục thì mục tiêu 7.000 MW vào năm 2030 rất khó khả thi.

Không thêm nhà máy điện than mới sau năm 2030

Trong bối cảnh hiện nay, tiềm năng các nguồn thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, nguồn nhiệt điện than gặp khó khăn, nguồn nhiệt điện khí hoá lỏng có giá thành còn cao và phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Vì vậy, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, cần đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa, có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Đồng thời, cải thiện cơ cấu ngành năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Để thực hiện được nhiệm vụ trên, ngày từ năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược phát triển xanh hóa với biện pháp tăng cường nhiều hơn nữa điện năng lượng tái tạo. Trong đó, ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược năng lượng tái tạo). Chiến lược đặt mục tiêu tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050.

Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời. Kết quả đạt được cho thấy, tính đến cuối năm 2021, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (chưa tính thủy điện) đạt 27% tổng công suất toàn hệ thống.

Đáng chú ý, hiện Bộ Công Thương đang chủ trì hai Quy hoạch quốc gia quan trọng đó là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, nội dung căn bản của hai Quy hoạch này sẽ không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030 và xem xét chuyển đổi các nhà máy điện than sang các nguyên liệu sạch hơn, đồng thời phát triển điện khí ở quy mô phù hợp, đáp ứng nguồn cung.

Đánh giá về tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.000km với 28 tỉnh, thành phố ven biển nên tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn. Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió ngoài khơi hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một trong những nguồn cung chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

“Vì vậy, nguồn năng lượng điện gió được đánh giá sẽ giữ vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gia tăng việc làm, tăng cường cung ứng trong nước và thúc đẩy tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện chính sách, xây dựng lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới