0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Hành động quốc gia về nhựa: “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Chiến lược phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của Việt Nam với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Mới đây, tại Lễ khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa và dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, sự kiện một lần nữa khẳng định: Chiến lược phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của Việt Nam, với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Hành động quốc gia về nhựa: “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”

Phó thủ tướng bày tỏ hi vọng sáng kiến Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam sẽ tập hợp, kết nối các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng trong việc quản lý, xử lý hiệu quả chất thải nhựa. Thông qua đó, sáng kiến cũng góp phần thực hiện cam kết của ASEAN về bảo vệ môi trường đã được khẳng định trong Tuyên bố Băng Cốc về chống rác thải đại dương.

Phó thủ tướng kêu gọi và đề nghị các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các tổ chức quốc tế và toàn xã hội tiếp tục chung tay cùng Chính phủ trong nỗ lực giảm thiểu chất thải nhựa. Cùng với đó khẳng định, Việt Nam sẽ hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm trong các nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong khu vực và toàn cầu.

Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa, mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác. Khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1kg túi nilon /hộ/ tháng. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.

Sản xuất nhanh, hạn tiêu thụ ngắn, thế nhưng để phân hủy rác thải nhựa lại cần quá nhiều thời gian. Cụ thể như: Chai nước phân hủy sau 450 – 1000 năm; Ống hút phân hủy sau 100 – 500 năm; Cốc, ly nhựa phân hủy sau 50 – 200 năm; Túi nhựa, túi ni long phân hủy sau 500 – 1000 năm; Bỉm, tã lót phân hủy sau 250 – 500 năm.

Thực tế nhiều người chưa hình dung được sự nguy hiểm của rác thải nhựa đối với con người, cho trái đất.

Cụ thể theo nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới, đồ nhựa chứa nhiều chất độc hại với sức khỏe con người. Đa phần các loại ống hút, túi nilon, cốc nhựa dùng 1 lần… khi tiếp xúc với nhiệt độ cao đều có nguy cơ thôi nhiễm chất độc như cadimi, chì… gây nguy cơ ung thư cao.

Rác thải nhựa khi chôn lấp sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Con người sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm này sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh như ảnh hưởng đường tiêu hóa, ung thư…

Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra khí thải có chứa Dioxin và furan – là những chất cực độc với sức khỏe con người. Các loại khí này làm giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và thậm chí là dẫn đến nguy cơ ung thư cao nếu tiếp xúc thường xuyên.

Rác thải nhựa đổ xuống biển làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 1,5 triệu sinh vật biển, phá hủy hệ cân bằng sinh thái của biển.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Hành động quốc gia về nhựa: “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Tin mới