Chống rác thải nhựa: Thay đổi từ hành vi đến thói quen
Sau hơn một năm phát động, công cuộc chống rác thải nhựa đã có những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, tại Hà Nội tình trạng bày bán các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon vẫn xuất hiện phổ biến.
Sau hơn một năm phát động chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, phong trào này không còn theo kiểu hô hào khẩu hiệu mà đã lan tỏa sâu rộng, trở thành hành động thống nhất trong các cấp, các ngành đến người dân.
Các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, nước ta đã có nhiều nỗ lực thông qua những cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như các hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa.
Sau một thời gian, tại các nhà hàng ăn uống, cửa hàng thời trang, nông sản… ở khắp nơi trên cả nước. Danh sách các cửa hàng xanh chia sẻ cam kết với môi trường ngày càng được nối dài với việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, dễ phân hủy hoặc sử dụng nhiều lần.
Trong các trường học, bước đầu tạo thành ý thức cho mỗi học sinh nhờ việc không còn bắt buộc phải dùng giấy nilon bọc sách, vở. Học sinh đã biết đến tác hại của chất thải nhựa, tự rèn ý thức gọn gàng, giữ gìn sách, vở, đồ dùng học tập. Phong trào vận động các cơ sở đoàn, trường học và người dân thu gom các loại phế liệu tái chế được như vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy... để đổi cây xanh hoặc cây trang trí được nhiều nơi thực hiện.
Còn tại một số khu chợ, nhiều người thay đổi khi dùng làn, túi vải để giảm thiểu phải sử dụng túi nilon dùng một lần. Vào siêu thị, các doanh nghiệp đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nilon. Nhiều người dân cũng đã quen với cách thức này, giảm sử dụng túi nilon, tăng mua sản phẩm dễ phân hủy. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã “nói không với rác thải nhựa” bằng việc sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa tại hội nghị, hội thảo.
Thế nhưng, gần đây, tại nhiều siêu thị, khu chợ ở Hà Nội, tình trạng bày bán các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon vẫn xuất hiện phổ biến.
Chia sẻ với TTXVN, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thừa nhận sau hơn 1 năm phát động “chống rác thải nhựa”, phong trào này đã lan tỏa sâu rộng, song tình trạng mua bán, sử dụng túi nilon vẫn còn khá phổ biến.
Lý do ông Hiền đưa ra là vì thói quen sử dụng túi nilon “khó bỏ” của người dân. Cùng với đó là việc loại túi này vẫn được nhiều người coi là tiện lợi và giá rẻ… dù đã có nhiều công bố cho thấy độc hại và ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt.
Trước thực tế trên và thực hiện theo Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, ông Hiền cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng một kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các yêu cầu, hoạt động về giảm thiểu chất thải nhựa.
Ngoài ra, Quyết định 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, cũng quy định rất rõ lộ trình đến năm 2025 là 100% các siêu thị không còn sử dụng túi nilon khó phân hủy. Thuế bảo vệ môi trường cũng đã “đánh” tiền sử dụng túi nilon khó phân hủy vào quy định bảo vệ môi trường.
Về giải pháp cụ thể, đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho rằng “bây giờ muốn thực hiện hiệu quả thì chỉ có cách tăng cường truyền thông”.
Cùng với đó, theo ông Hiền, các siêu thị cũng cần phải tuân thủ biện pháp cương quyết đối với khách hàng là phải mua túi, không phát tui như hiện nay. Các hàng quán càphê, quán nước cũng cần có cam kết không sử dụng đồ nhựa một lần.
“Tuy nhiên để làm được điều này sẽ phải có chế tài cụ thể”, ông Hiền nêu quan điểm vẫn cho biết đơn cử như vứt rác ra đường phải xử phạt, các siêu thị phải cam kết không cung cấp bao bì nilon khó phân hủy. Ngoài ra cũng cần có sự giám sát của cộng đồng.
“Tôi cho rằng người dân cần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường bằng việc hạn chế sử dụng bao bì túi nilon khó phân hủy. Người dẫn hãy nói không với túi nilon khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần. Đừng vì tiện lợi, rẻ mà làm ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến chính sức khỏe của mình. Hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng”, ông Hiền chia sẻ thêm.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa hiện tiềm ẩn nguồn gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Lượng chất thải nhựa ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 6-12% trong chất thải rắn sinh hoạt và số lượng tăng dần theo từng năm gây "gánh nặng" cho môi trường. Trong khi đó, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn nên vẫn để lẫn các loại chất thải với nhau, trong đó có chất thải nhựa dẫn đến hiệu quả tái chế và xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.
Với kế hoạch dài hơi, từ cuối năm 2019, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để quản lý, hạn chế, giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa đại dương.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến đến năm 2030 sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương. 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển. 100% khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. 100% khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Tính trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỉ túi nilon. Túi nilon hiện diện khắp nơi trong đời sống xã hội, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng. Trung bình mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% số chúng đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần và đích đến cuối cùng phổ biến của chúng, không phải các cơ sở tái chế hay xử lý, mà là biển và đại dương, “góp phần” đáng kể vào hơn 8 triệu tấn nhựa mà dân cư toàn thế giới đổ ra đại dương mỗi năm.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường