Làm thế nào giảm rác thải nhựa đại dương ở TP.HCM?
TP.HCM đã ban hành kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn, mục tiêu đến năm 2020 giảm 75% rác thải nhựa trên biển.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, chất thải nhựa chiếm khoảng 1.800 tấn trong tổng số hơn 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày trên địa bàn thành phố, trong đó, chỉ có khoảng 200 tấn được tái chế, còn lại được xử lý chôn lấp cùng các loại chất thải rắn khác. Bên cạnh đó, một lượng không nhỏ rác thải nhựa trôi dạt trên vùng biển Cần Giờ chưa được thu gom, xử lý triệt để.
Trước thực trạng này, hồi tháng 7 vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030.
Việc ban hành kế hoạch này nhằm mục tiêu tăng cường công tác quản lý và ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển.
Đồng thời, kế hoạch này còn nâng cao ý thức về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường biển, giúp hình thành thói quen giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy trong mọi hoạt động trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, TP.HCM đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Ngoài ra, TP.HCM đặt ra mục tiêu đảm bảo tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển.
Đến năm 2030, TP.HCM sẽ giảm 75% rác thải nhựa trên biển; 100% các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển.
Để thực hiện được mục tiêu trên, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của từng Sở, ngành, đơn vị thực hiện.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc xây dựng các nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương.
Đồng thời, Sở TN&MT phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Công thương, Sở Du lịch… thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền từ các hoạt động trên biển; thực hiện tốt mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa tại các khu công nghiệp, đô thị, khu du lịch ven biển, ven sông, cảng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
UBND huyện Cần Giờ được giao nhiệm vụ tổ chức thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động khu vực ven biển và trên biển. Cụ thể, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển tối thiểu 02 lần/năm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; việc tổ chức này có thể lồng ghép vào các chương trình, sự kiện về bảo vệ môi trường, biển và hải đảo như: Ngày Môi trường Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam…
Trong đó, cần huy động sự tham gia của người dân trong thu gom, phân loại rác thải nhựa đại dương và phối hợp xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về rác thải nhựa đại dương thống nhất, phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải. Ngoài ra, UBND huyện Cần Giờ cần có giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu cũng như có biện pháp xử lý đối với các hành vi thải bỏ, làm thất lạc ngư cự khai thác thủy sản ở trên biển không đúng quy định.
PGS.TS Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, thuộc Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết, theo thống kê, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 về phát thải rác thải nhựa trên thế giới. Nghiên cứu năm 2018 tại sông Sài Gòn cho thấy có 172.000- 519.000 sợi vi nhựa/m3 nước, 10-233 mảnh và màng vi nhựa/m3 nước.
Có 2 nguồn phát thải vi nhựa ra môi trường gồm: nguồn sơ cấp do sản xuất hạt nhựa, mài mòn công nghệ, in 3D, mỹ phẩm… Và nguồn thứ cấp do phân rã từ chất thải nhựa lớn do tia UV, nhiệt…
Nhiều hạt vi nhựa có trong nước ở các sông, do quần áo cũ vứt ra môi trường và từ hoạt động giặt giũ thải ra môi trường, cá ăn những chất vi nhựa này, sau đó người ăn cá và tích luỹ trong cơ thể người - PGS.TS Lê Hùng Anh cho biết thêm.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường