Đại gia mới nổi tiếp nhận dự án KCN Cam Ranh sau nhiều năm
Công ty Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes vừa đề xuất làm nhà đầu tư tiếp theo vào Dự án KCN Nam Cam Ranh.
Dự án KCN Nam Cam Ranh (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh) có tổng diện tích khoảng 352ha, mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ, chế tạo, lắp ráp, công nghiệp nhẹ… ít gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, KCN Nam Cam Ranh có vị trí liền kề với khu quy hoạch phát triển đô thị nên khá thuận lợi để phát triển mô hình KCN, dịch vụ, đô thị ven biển, gắn với vịnh Cam Ranh.
Dự án có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường biển, đường không, đường bộ và đường sắt, với các cơ sở hạ tầng sẵn có, đang khai thác như: Sân bay quốc tế Cam Ranh, Cảng tổng hợp Cam Ranh, kết nối đường sắt quốc gia, Quốc lộ 1A và kết nối với vùng Tây Nguyên theo Quốc lộ 27 qua tỉnh Ninh Thuận...
Nhà đầu tư mới tiềm năng
Mới đây, ông Hoàng Đình Phi - Trưởng BQL Khu Kinh tế Vân Phong cho biết, vào ngày 9/7, BQL Khu Kinh tế Vân Phong đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh xem xét chấm dứt việc nghiên cứu đầu tư dự án của Tổng Công ty Becamex IDC và cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư KCN Vinhomes nghiên cứu đầu tư KCN Nam Cam Ranh (350ha) theo quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Được biết, Công ty đầu tư khu công nghiệp Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup, có định hướng phát triển bất động sản khu công nghiệp và cho thuê văn phòng. Vingroup coi đây là động lực tăng trưởng mới trong tương lai, tận dụng cơ hội thị trường và mở rộng danh mục đầu tư.
Đối với phân khúc bất động sản công nghiệp, theo số liệu mới nhất vào cuối tháng 4, Vinhomes có hơn 2.900 ha quỹ đất khu công nghiệp, gồm 2.208 ha để bán và 694 ha cho thuê tại Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương khác. Với quỹ đất này, Vinhomes có thể đảm bảo cho hoạt động kinh doanh đến năm 2032.
Với mục tiêu và chiến lược phát triển mới, vào tháng 3/2020, Vinhomes đã tiến hành tăng vốn điều lệ của CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (Vinhomes IZ) từ 70 tỷ lên 6000 tỷ đồng.
Để chuẩn bị cho tham vọng lớn ở phân khúc bất động sản công nghiệp, Vinhomes đã làm việc với các địa phương, đề xuất đầu tư khu công nghiệp có quy mô “khủng” như Khu công nghiệp Thủy Nguyên (Hải Phòng) và Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía Nam sông Lục Lầm (Quảng Ninh) với tổng số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Ban lãnh đạo công ty tin tưởng rằng việc phát triển bất động sản khu công nghiệp sẽ tận dụng kinh nghiệm của Vinhomes trong việc phát triển quĩ đất, triển khai và vận hành dự án. Mối quan hệ với các nhà sản xuất quốc tế của Tập đoàn Vingroup trong việc phát triển lĩnh vực công nghiệp là lợi thế cho Vinhomes trong việc tiếp cận nguồn khách hàng quốc tế.
Với nhà đầu tư nhiều tiềm năng này, chính quyền địa phương kỳ vọng dự án KCN Nam Cam Ranh sẽ sớm được triển khai, tạo động lực để khu vực Cam Ranh nói riêng và phía nam tỉnh nói chung phát triển.
Dự án KCN Cam Ranh đã hai lần lỡ nhịp
Sau hơn chục năm kể từ khi được trao giấy chứng nhận đầu tư, dự án vẫn gần như dậm chân tại chỗ, trong khi đây được coi là một vị trí đắc địa để địa phương thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp khác nhau, nhưng có nhiều lý do khiến dự án này qua nhiều năm vẫn gặp trắc trở.
Ngay từ năm 2009, Ban quản lý (BQL) Khu Kinh tế Vân Phong đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án KCN Nam Cam Ranh cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin giao làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng). Sau gần 10 năm “đắp chiếu”, năm 2017, dự án này bị thu hồi để thu hút các nhà đầu tư mới.
Tiếp đó, năm 2018, Tổng Công ty Becamex IDC (tỉnh Bình Dương) xin nghiên cứu để đầu tư. Tuy nhiên, thay vì chỉ đầu tư KCN Nam Cam Ranh theo quy hoạch, chủ đầu tư đề xuất thành lập dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ đô thị cảng biển Nam Cam Ranh với diện tích khoảng 1.050ha, gồm: KCN Nam Cam Ranh với diện tích tối thiểu 550ha và Khu đô thị, dịch vụ liền kề với diện tích khoảng 500ha.
Chính vì diện tích quá lớn nên dự án phải điều chỉnh nhiều hạng mục và các quy hoạch trước đó. Chỉ tính riêng hạng mục KCN Nam Cam Ranh, phần lớn diện tích bị chia cắt bởi dự án Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và dự án Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Tổng Công ty Becamex IDCđã đề nghị điều chỉnh hướng tuyến, hành lang an toàn và phương án xây dựng trạm thu phí vào cao tốc. Song, dự án Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã được UBND TP. Cam Ranh triển khai công tác giải phóng mặt bằng theo hướng tuyến đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, vì vậy, việc đề xuất điều chỉnh là không phù hợp.
Ngoài ra, dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ đô thị cảng biển Nam Cam Ranh còn bị hạn chế bởi vành đai an toàn quân sự và nhiều hạng mục khác nên không khả thi. Với những vướng mắc không thể giải quyết, Tổng Công ty Becamex IDC xin tạm dừng nghiên cứu đầu tư.
Becamex IDC rút lui và Vinhomes thay thế, BQL Khu Kinh tế Vân Phong cho rằng, nếu Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes được đầu tư sẽ không gặp những vướng mắc tương tự Becamex IDC, vì vậy việc triển khai sẽ khả thi hơn rất nhiều.
Đại diện Vinhomes cho biết mục tiêu là mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu. Căn cứ theo kế hoạch doanh thu 2020, mảng này có thể mang về 14.000 – 15.000 tỷ đồng trong tương lai.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo