Hà Nội sẽ phát triển cây dược liệu gắn với tiêu thụ
Sở NN&PTNTTP Hà Nội đã tiến hành khảo sát tại các xã miền núi, đồi gò của Hà Nội; xây dựng mục tiêu hình thành các vùng cây dược liệu 600-1.000ha vào năm 2020; 1.500-2.000ha vào năm 2030.
Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, những năm qua, thành phố đang từng bước nhân rộng các mô hình trồng cây dược liệu, ưu tiên chọn các giống dược liệu bản địa, phù hợp tập quán canh tác của địa phương; hỗ trợ các địa phương hình thành vùng dược liệu chuyên canh đạt tiêu chuẩn; xây dựng vùng trồng, chủng loại cây trên thực tế để có giải pháp đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ...
Tính riêng trong năm 2020, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã hỗ trợ mô hình dược liệu quy mô 2ha tại xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) qua việc cấp hỗ trợ 10.000 cây giống kim ngân hoa; mô hình có sự liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm giữa các hộ sản xuất và doanh nghiệp, tạo liên kết chuỗi trong sản xuất tiêu thụ theo hướng ổn định và bền vững.
Hà Nội sẽ phát triển cây dược liệu gắn với tiêu thụ |
Khu trồng dược liệu hữu cơ tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) cũng được coi là vùng trồng dược liệu lớn nhất của Hà Nội. Theo Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn - Nguyễn Thanh Tuyền, từ 5ha ban đầu hình thành vào năm 2015, đến nay, hợp tác xã đã phát triển quy mô trồng lên tới 21ha tại xã Bắc Sơn và 5ha tại xã Xuân Giang. Ngoài những loại dược liệu như: Xuyên khung, khôi tía, bán chi liên, phúc bồn tử, kỳ tử…, hợp tác xã đang trồng và bảo tồn loài trà hoa vàng pagoda - một loại dược liệu quý của Việt Nam.
Tại huyện Quốc Oai, ngành cũng hỗ trợ xây dựng 10ha trồng cây dược liệu hương nhu, gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm tinh dầu dược liệu giữa doanh nghiệp và người dân tại các xã: Hòa Thạch, Đông Xuân...
Để phát triển cây dược liệu ở Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho hay, Sở NN&PTNT đã kết hợp với Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiệp Việt Nam… tiến hành khảo sát tại các xã miền núi, đồi gò của Hà Nội; xây dựng mục tiêu hình thành các vùng cây dược liệu 600-1.000ha vào năm 2020; 1.500-2.000ha vào năm 2030.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm