Vùng nguyên liệu: Nhiều tỉnh thành áp dụng sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu
Nhiều tỉnh thành đã triển khai mở rộng các giải pháp phát triển kinh tế diện tích nông nghiệp lúa theo sản xuất theo mô hình “nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Nhiều tỉnh thành áp dụng sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu
Là địa phương có thế mạnh đi đầu trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều định hướng cụ thể duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng.
Tính riêng, đối với cây lúa, huyện tiếp tục quy hoạch, mở rộng vùng canh tác tập trung theo hướng chất lượng cao, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, sử dụng giống năng suất chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện nhiều Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở nhiều địa phương và từng bước xây dựng được mô hình chuỗi liên kết giá trị sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa tím than. Đây là giống lúa mới, có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 85 ngày, hạt lúa và gạo đều màu tím than. Giống lúa này rất dễ chăm sóc, có tính kháng sâu bệnh tốt và cho năng suất khoảng 5 tấn/ha. Đây là loại gạo có hàm lượng vitamin nhóm B, Canxi, Magie, Omega 3-6-9 cao, có lợi cho sức khỏe, giảm các bệnh về tim mạch, xương khớp, béo phì, đặc biệt giống lúa này kháng bệnh đạo ôn, rầy nâu, ít nhiễm bệnh cháy bìa lúa.
Không chỉ huyện Tân Hồng, huyện Hồng Ngự cũng đã đạt nhiều kết quả tích cực ban đầu sau một thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp tăng khá và bền vững, nhiều mô hình sản xuất an toàn hình thành, đặc biệt thông qua hợp tác xã , tổ hợp tác đã tập hợp được người dân sản xuất theo mô hình hàng hóa quy mô lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Cũng sau 4 năm thực hiện sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Quảng Trị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bước đầu đánh giá mô hình đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Theo đó vừa giúp nông dân tiết kiệm nước tưới, phân bón, chi phí, công lao động; vừa tăng năng suất, nâng cao chất lượng lúa.
Cụ thể, việc sản xuất lúa theo mô hình này giúp giảm lượng phân đạm urê từ 30 - 36kg/ha/vụ, tiết kiệm 30kg lúa giống/ha, giảm công chăm sóc và hạn chế sâu bệnh gây hại.
Trong khi đó, năng suất lúa bình quân cao hơn so với sản xuất đại trà từ 5 - 6 tạ/ha/vụ; lợi nhuận bình quân cao hơn so với sản xuất đại trà từ 5 -7 triệu đồng/ha/vụ. Việc sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu còn giúp nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất.
Có thể thấy, nhiều tỉnh đang triển khai đúng hướng đến sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, đẩy mạnh thực hiện tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm giá thành, tạo ra nông sản an toàn theo nhu cầu thị trường.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm