Hà Nội: Phát hiện 13 mẫu nông, lâm, thủy sản vi phạm an toàn thực phẩm
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT) đã tăng cường hoạt động lấy mẫu, đánh giá chất lượng nông sản, thực phẩm.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 nhưng hoạt động quản lý Vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội vẫn được triển khai tích cực. Công tác bảo đảm An toàn thực phẩm tiếp tục có những chuyển biến căn bản, ý thức chấp hành pháp luật của cả người sản xuất, người kinh doanh, cán bộ quản lý, người tiêu dùng được nâng cao, hình thành nếp sống văn hóa trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Tính từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức lấy 502 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố và sản phẩm từ các tỉnh, thành phố, sản phẩm nhập khẩu lưu thông trên địa bàn.
Trong 305 mẫu đã có kết quả phân tích, phát hiện 13 mẫu vi phạm (chiếm 4,2%), giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, tỷ lệ mẫu thịt không đạt các chỉ tiêu vi sinh và kháng sinh là 5/86 mẫu (chiếm 5,8%), 1/146 mẫu rau, củ, quả tươi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 0,7%), 7/48 mẫu sản phẩm chế biến vi phạm về chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 8,7%).
Hà Nội phát hiện 13 mẫu nông, lâm, thủy sản vi phạm an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm |
Với những mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc; đồng thời xác định nguyên nhân và yêu cầu các cơ sở khắc phục hậu quả, nếu tái diễn vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Sở NN&PTNT nhận định trọng tâm vẫn là tăng cường việc lấy mẫu giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm; phát hiện sớm, xử lý kịp thời và nghiêm minh, không nương tay với các trường hợp có vi phạm. Sau xử lý, sẽ phối hợp với các địa phương thông tin rộng rãi trên các phương tiện đại chúng để người dân biết và không sử dụng.
Sở cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ giết mổ gia súc, gia cầm và vệ sinh thú y. Đồng thời, hỗ trợ người nông dân từng bước chuyển đổi sang các phương thức sản xuất sạch hơn, gắn với chuỗi liên kết nông sản an toàn.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm