Hà Nội lại lọt Top 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới
Sau một thời gian được cải thiện, những ngày đầu tháng 9, chất lượng không khí Hà Nội liên tục suy giảm. Ở hầu hết khu vực, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức trung bình và kém.
Đặc biệt vào ngày hôm qua và hôm nay (3/9), tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual) áp dụng cách tính AQI của Mỹ xếp hạng Hà Nội đứng thứ 5 trong số 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Theo đó, Air Visual cảnh báo ô nhiễm không khí tại nhiều khu vực Hà Nội ở ngưỡng màu đỏ, với giá trị AQI là 179, tương đương mức xấu, có hại cho sức khỏe tất cả mọi người.
Chất lượng không khí Hà Nội sáng 3/9 đa phần ở mức trung bình và kém. |
Giá trị AQI mà Pam Air đo chất lượng không khí ở Hà Nội sáng nay là từ khoảng 160 - 250. Một số khu vực có kết quả AQI cao như: Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm) - 245; khu vực Đê La Thành (Đống Đa) gần Trường đại học Văn hóa - 247; gần Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Thanh Xuân) - 244; Giảng Võ (Ba Đình) - 230…
Trong khi đó, áp dụng cách tính AQI Việt Nam, kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, từ đêm ngày 2 đến sáng 3/9, nồng độ bụi có xu hướng tăng cao ở các khu vực, như: Đại sứ quán Pháp 148, Minh Khai 108, Hàng Đậu 104, Phạm Văn Đồng 103, Thành Công 101...
Ở ngoại thành, phần lớn khu vực có chỉ số AQI ở mức trung bình và có xu hướng tăng trong vài giờ tới.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí suy giảm là do sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm (khoảng 9-10 độ C) nên hình thành một lớp sương mù tầng thấp bao phủ toàn thành phố, gây bất lợi cho việc khuếch tán các chất ô nhiễm. Ngoài ra, tốc độ gió thấp, khoảng 0-1,7m/s làm giảm khả năng khuấy trộn của khối khí.
Trước thực trạng nêu trên, Chi cục Bảo vệ Môi trường khuyến cáo người dân cần hạn chế mọi người dân nên trang bị khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn. Nhóm người nhạy cảm (người già, trẻ em và những người mắc bệnh về hô hấp) nên hạn chế ra ngoài.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường