Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường
Hà Nội dự kiến dùng ngân sách là 200 tỷ đồng để tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường và có giá trị gia tăng cao.
Thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (2018-2020), Hà Nội đã xét chọn và công nhận khoảng 121 sản phẩm của 80 doanh nghiệp trên địa bàn.
Đây đều là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường và khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội đạt trên 100.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 1 tỷ USD.
Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường |
Tuy nhiên ông Vương Đình Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho rằng, qua 3 năm triển khai đề án vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đồng bộ, xứng tầm và đủ mạnh dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực để thu hút, kiến tạo và thúc đẩy các sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội trở thành một thương hiệu uy tín, có sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lớn, có thế mạnh và có khả năng cạnh tranh cao có thể đóng góp lớn vào nền kinh tế Thủ đô (trong đó có các doanh nghiệp FDI) vẫn chưa tham gia và hưởng ứng chương trình.
Do vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đóng góp 40-50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết sẽ tham mưu để thành phố ban hành các chính sách phát hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực.
Đáng chú ý, Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội dự kiến dùng ngân sách là 200 tỷ đồng để tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường và có giá trị gia tăng cao, từng bước hình thành các sản phẩm có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương cho biết, Sở cũng ủng hộ việc thành lập Hội doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực nhằm dẫn dắt các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và là “cánh chim đầu đàn” thúc đẩy sản xuất trên địa bàn Thủ đô phát triển.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm