Phát hiện nhiều nét đặc sắc của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng
Đoàn chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng, đánh giá khảo sát hoạt động Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng rộng gần 3.300km², trải dài trên địa bàn 9 huyện, có trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, có giá trị tầm cỡ quốc tế như các tháp, nón đá vôi, thung lũng, hang động, hệ thống hồ - sông - hang ngầm liên thông.
Công viên địa chất Cao Bằng đã trở thành một thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNSECO từ năm 2018
Đặc biệt, nơi đây có nhiều danh thắng đẹp nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Ðén…và nổi bật là thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất thế giới. Không chỉ có các đặc điểm địa chất độc đáo, đây còn là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 200 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 23 di tích cấp quốc gia, và là căn cứ địa của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Từ nhiều năm trước, cùng với việc bảo tồn và phát huy các giá trị về di sản địa chất, văn hóa, lịch sử nằm trong vùng công viên địa chất, Cao Bằng đã xây dựng mục tiêu gắn với phát triển du lịch bền vững. Thông qua Ủy ban UNESCO Việt Nam, tỉnh Cao Bằng mời chuyên gia từ nước ngoài sang khảo sát, tư vấn các nội dung liên quan đến các tiêu chí bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên của công viên.
Với những nỗ lực của địa phương, đến tháng 4 năm 2018, hội đồng chấp hành UNESCO đã nhất trí công nhận công viên địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Đánh giá khảo sát Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng
Ông Guy Martini, Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, cho rằng sau 2 năm Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đi vào hoạt động, Ban Quản lý Công viên, các cấp chính quyền địa phương và người dân đã tích cực thực hiện các khuyến nghị, quy định của UNESCO về gìn giữ, bảo tồn nguyên trạng các điểm di sản trên cả 3 tuyến.
Các điểm di tích lịch sử, di tích quốc gia đặc biệt được đầu tư hạ tầng khang trang làm tăng thêm giá trị di sản. Đồng bào các dân tộc thiểu số gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc trong cuộc sống đời thường, nhiều vùng đã sản xuất nông sản theo hướng sản xuất hữu cơ, có sản phẩm chất lượng bán ra thị trường...
Khảo sát gần 50 điểm di sản trên tuyến thứ 4 huyện Thạch An và thành phố Cao Bằng, Đoàn phát hiện ra nhiều điểm di sản địa chất cổ, văn hóa bản địa đặc sắc riêng biệt của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng như: các điểm di tích hóa thạch cổ, tầng đứt gãy địa chất trên 250 triệu năm, hệ thống hang động đẹp, độc đáo…
Cùng với đó, Đoàn chuyên gia khuyến nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng cần quan tâm hơn tới việc giữ gìn vệ sinh môi trường các điểm di sản; chú trọng khai thác các giá trị văn hóa bản địa từ sản xuất nông nghiệp với những cây con đặc hữu từng vùng, không gian kiến trúc nhà sàn, nhà trình tường, văn hóa văn nghệ dân gian, điểm hang động độc đáo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lê Hải Hòa cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục chỉ đạo các cấp, sở, ngành, địa phương thực hiện tốt các khuyến nghị của UNESCO. Đồng thời, tỉnh khẩn trương xúc tiến chỉ đạo thực hiện phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng gắn với các chương trình kích cầu du lịch của tỉnh; chủ động phối hợp với Đoàn chuyên gia xúc tiến hoàn thiện thủ tục để mở rộng thêm tuyến thứ 4, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng…
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm