0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Hà Nội đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công

Thành ủy, UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ, cố gắng giải ngân từ 97 đến 100% và thực hiện giải ngân năm 2020 đến hết tháng 1/2021.

Sáng 31/8, tại phiên giải trình về tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của TP Hà Nội năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 do Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: Đến hết ngày 31/7/2020, thành phố giải ngân được 14.639 tỷ đồng, đạt 32,59% kế hoạch thành phố giao và đạt 36% kế hoạch Thủ tướng giao.

Trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản cấp thành phố đạt 4.132,6 tỷ đồng, đạt 27,9% kế hoạch giao đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (15,6%). Chi đầu tư phát triển khác là 2.414,3 tỷ đồng, đạt 38,9% kế hoạch giao đầu năm. Chi đầu tư cấp huyện đạt 7.315 tỷ đồng, đạt 33,6% kế hoạch giao đầu năm.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc. 

Về kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn năm 2020, TP Hà Nội đã cân đối bố trí 101.019 tỷ đồng, đạt 94,14% so với tổng mức vốn kế hoạch trung hạn được duyệt là 107.303 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, Hà Nội sẽ hoàn thành 546 dự án, trong tổng số 551 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố; hoàn thành 851 trong tổng số 856 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện.

Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, tỷ lệ giải ngân vốn thấp là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các vướng mắc trong thủ tục giấy tờ, văn bản quy định pháp luật, chậm giải phóng mặt bằng cũng như năng lực, trách nhiệm của các chủ đầu tư còn thấp... Một số dự án chậm phê duyệt, danh mục dự án thay đổi, điều  chỉnh... Nhiều dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn, phải kéo dài thời gian thực hiện sang năm sau...

Nhiều dự án ODA còn gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục như dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo còn vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án chưa thực hiện xong, liên quan đến quy hoạch ga ngầm C9 (khu vực hồ Hoàn Kiếm); dự án tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội do còn một số vướng mắc về thủ tục tạm ứng gói thầu số 9. Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá còn vướng mắc về giá trị phát sinh hợp đồng tư vấn. Dự án Trường nghề thuộc dự án "Tăng cường lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp" chưa giải ngân được do còn vướng mắc về thủ tục hợp đồng...

Bên cạnh đó, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên các dự án như cầu vượt nút giao Láng Hạ - Thái Hà (quận Đống Đa), Cải tạo thoát nước sông Pheo (quận Bắc Từ Liêm), các dự án xây dựng trụ sở công an quận… đều đang chậm tiến độ.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, việc thực hiện đầu tư công của thành phố rất quan trọng bởi vốn đầu tư công của Hà Nội chiếm tỷ trọng 10% vốn đầu tư công cả nước. Sáu tháng đầu năm 2020, thành phố mới giải ngân được 31%, cho thấy việc thực hiện kế hoạch đầu tư công vẫn chậm. Do đó, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị, UBND thành phố tập trung chỉ đạo cụ thể, phân loại những khó khăn của từng dự án, từ đó có giải pháp tháo gỡ.

Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, năm 2020 là quãng thời gian thật sự khó khăn do dịch Covid-19 và thiên tai kéo dài nên việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt của thành phố, làm nguồn lực quan trọng, quyết định tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà. 

Căn cứ kết quả giải trình, Thường trực HĐND TP sẽ ban hành kết luận phiên giải trình và tổ chức giám sát thực hiện lộ trình khắc phục của các chủ đầu tư, các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ, cố gắng giải ngân từ 97 đến 100% và thực hiện giải ngân năm 2020 đến hết tháng 1/2021. Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp đã xác định. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sẽ đánh giá lại kế hoạch trung hạn, điều chỉnh vốn năm 2020 và tiếp tục đưa các giải pháp thực hiện. Đồng thời, tiếp tục tăng cường giám sát, điều hành cụ thể hơn, đẩy mạnh triển khai GPMB trong quý IV-2020. Trong đó, làm rõ nguyên nhân chậm ở từng dự án, trách nhiệm của ai… để xử lý nghiêm, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Tin mới