Hà Nội chính thức bỏ quy định người từ TP. HCM về phải cách ly 7 ngày
Trong công điện mới ban hành, Thủ đô Hà Nội dừng cách ly tại nhà người về từ TP HCM và một số tỉnh có số ca Covid 19 cao, sau hai ngày ban hành quy định.
Tối 18/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký, ban hành công điện số 24 về việc giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao từ địa bàn có dịch trở về thành phố.
Theo đó, thành phố dừng việc triển khai nội dung tại mục 2.3 Công điện số 23/CĐ-UBND ngày 16.11 của UBND Thành phố về việc tăng cường, kiểm soát người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội.
Cụ thể, dừng cách ly đối với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu da cam) và các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…
Công điện mới nêu người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, khi về Hà Nội sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, nghiêm túc thực hiện 5K; xét nghiệm PCR vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí.
Trường hợp tiêm chưa đủ liều vaccine thì cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày; tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo; xét nghiệm vào ngày thứ nhất, ngày thứ bảy kể từ ngày về địa phương.
Những người chưa tiêm vaccine sẽ cách ly 14 ngày kể từ khi về địa phương; tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo; xét nghiệm vào ngày thứ nhất, ngày thứ bảy và ngày thứ 14.
Trường hợp đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra, công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
Ngoài ra, TP Hà Nội giám sát, xét nghiệm các trường hợp nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế; không yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn.
Về tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2, thành phố chỉ đạo chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh (không đưa ra các yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành phố).
Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định.
Trong đó, lưu ý căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, Sở Y tế chỉ đạo việc quản lý người nhiễm SARS- CoV-2 tại cơ sở y tế hoặc tại nhà theo hướng dẫn tại Quyết định số 4038 của Bộ Y tế và thiết lập các trạm y tế lưu động để đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ và phòng, chống dịch cho người dân.
Trước đó, ngày 16/11, UBND TP Hà Nội ban hành công điện, trong đó nêu rõ triển khai các biện pháp cao để kiểm soát chặt đối với người về từ các tỉnh, thành đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Đáng chú ý, Hà Nội yêu cầu đối với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu da cam) và các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai... cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà, xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7 thay cho chỉ xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 1.
Quy định trên của Hà Nội khiến nhiều người lo ngại, việc phải cách ly thêm 7 ngày sẽ ảnh hưởng tới nhiều kế hoạch, trong đó, có thể họ chỉ có nhu cầu đến Hà Nội trong thời gian rất ngắn để giao thương, trao đổi công việc...