Hà Giang: Thêm 1.091 ha chè được công nhận đạt chuẩn hữu cơ
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh này vừa có thêm 1.091 ha chè được công nhận đạt chuẩn hữu cơ.
Những diện tích chè được công nhận đạt chuẩn hữu cơ đều là chè Shan tuyết cổ thụ, được trồng nhiều trên vùng núi cao của các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần… Đến nay toàn tỉnh Hà Giang đã có 5.616 ha chè được công nhận đạt chuẩn hữu cơ.
Tỉnh Hà Giang vừa có thêm 1.091 ha chè được công nhận đạt chuẩn hữu cơ
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, đến nay tỉnh có hơn 9.300 ha chè đạt chuẩn GAP. Trong đó diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là hơn 4.857 ha và trên 4.525ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Tỉnh Hà Giang đã xác định cây chè được xác định là một trong 5 loại cây trồng chủ lực trong Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020 diện tích chè kinh doanh là 17.000 ha; trong đó 70% diện tích theo VietGAP hoặc hữu cơ; sản lượng chè khô 19.300 tấn. Giá chè khô bình quân tăng từ 41 triệu đồng/tấn lên 80 triệu đồng/tấn. Giá trị sản xuất chè búp tươi đạt trên 323,7 tỷ đồng.
Ông Giang Đức Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang cho biết, tổng sản lượng chè hàng năm của tỉnh đạt 73.150 tấn. Chè Hà Giang đã có mặt tại hơn 20 quốc gia trên thế giới. Nâng cao chất lượng và thương hiệu chè Hà Giang, ngành NN&PTNT tỉnh luôn hướng các tổ chức, cá nhân làm chè sản xuất theo tiêu chuẩn sạch. Đến nay, tỉnh cũng đã xây dựng được hơn 4.800 ha chè đạt chuẩn VietGAP.
Phát triển chè theo hướng an toàn đã giúp nhiều hộ dân ở Hà Giang có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống
Những năm qua tỉnh Hà Giang đã tích cực triển khai chương trình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Tỉnh cũng có nhiều các chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con nhân dân mở rộng vùng chè và phát triển sản xuất chè an toàn để không ngừng nâng cao giá chất lượng, sản lượng và trị kinh tế của cây chè… Nhờ đó, đã có hàng nghìn hộ gia đình có mức thu nhập đạt trên 50 triệu đồng/năm từ việc trồng, thu hái và chế biến chè.
Tuy đã có những bước tiến đáng kể, nhưng sản phẩm chè sau chế biến của tỉnh Hà Giang đến nay chủ yếu vẫn còn là nguyên liệu thô gồm các loại: Chè xanh (chủ yếu chiếm trên 80%), còn lại chè đen, chè vàng, phổ nhĩ và chè khác...
Theo khảo sát mới đây nhất của ngành NN&PTNT tỉnh Hà Giang, hiện nay giá chè búp tươi tại các huyện vùng thấp từ 4.000 đến 5000 đồng/kg; 2 huyện phía Tây của tỉnh và các xã vùng cao giá chè búp tươi 10.000 đến 15.000 đồng/kg.
So với trước đây, tuy giá chè có tăng nhưng so với các tỉnh trong khu vực vẫn thấp. Vì vậy đã ảnh hưởng đến tâm lý người trồng chè, người dân hạn chế thậm chí không đầu tư vào chăm sóc dẫn đến các cơ sở chế biến bị thiếu nguyên liệu. Sản phẩm chè sau khi chế biến chủ yếu dùng để sử dụng nội tiêu hoặc xuất nguyên liệu thô đi các tỉnh như Tuyên Quang, Thái nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Đây cũng là trăn trở mà cả cơ quan quản lý nhà nước, nhà doanh nghiệp và người nông dân ở Hà Giang cùng nỗ lực tìm giải pháp để ngành chè Hà Giang vươn xa hơn nữa.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm