0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 15/03/2022 14:39 (GMT+7)

Giảm 20% trong 1 tuần, giá dầu ‘thủng’ mốc 100 USD/thùng, chuyện gì đang xảy ra?

Bất kỳ một diễn biến mới nào có ảnh hưởng đến giá dầu đều khiến thị trường này đặc biệt sôi sục vì tâm lý lo ngại nói chung cho một loại nguyên liệu không thể thiếu để vận hành mọi hoạt động của nền kinh tế.

Giá dầu thô lên xuống chóng mặt, đã tăng hơn 30% trong năm nay

Giá dầu ngọt nhẹ WTI đã giảm khoảng 20% so với giai đoạn đỉnh điểm vào tuần trước, về mức dưới 100 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm nay (15/3).

Cụ thể, ở thời điểm 10h15 sáng 15/3 (giờ Việt Nam) giá dầu thô WTI kỳ hạn giao dịch ở mức 98,7 USD/thùng trong khi dầu Brent – chuẩn mực dầu thô quốc tế - giao dịch ở mức 102,45 USD/thùng. Hiếm khi nào người ta chứng kiến thị trường dầu thô xuất hiện những biến động dữ dội đến thế chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

tm-img-alt
Ngay cả khi đã sụt giảm mạnh trong phiên ngày 14/3, cả dầu Brent và WTI vẫn tăng hơn 30% trong năm nay.

Trước đó, giá dầu đã vượt mốc 100 USD/thùng vào cuối tháng 2, khi Nga tiến công quân sự vào Ukraine, gây lo ngại rằng nguồn cung sẽ bị gián đoạn. Đây là lần đầu tiên giá dầu vượt mức 3 con số kể từ năm 2014.

Cuộc leo thang tiếp tục khi dầu Brent gần cán mốc 140 USD còn dầu WTI giao dịch ở mức 130,5 USD/thùng vào tuần trước.

Và ngay cả khi đã sụt giảm mạnh trong phiên ngày 14/3, cả dầu Brent và WTI vẫn tăng hơn 30% trong năm nay.

Dầu thô - loại hàng hóa nhạy cảm trước những biến đổi

Những diễn biến mới nhất làm chao đảo thị trường dầu thô là sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm virus Covid-19 ở Trung Quốc – nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và những dấu hiệu có thấy sự tiến triển trong cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Ukraine và Nga.

Nhà đàm phán chính của Ukraine cho biết họ đang làm việc về một lệnh ngừng bắn tiềm năng với Nga trước khi các cuộc đàm phán tạm dừng để mỗi bên có thể xác nhận. Mỹ và Trung Quốc cũng đã có một cuộc "thảo luận quan trọng" – là cuộc họp cấp cao đầu tiên của cả 2 về cuộc chiến.

Trong khi thị trường vẫn còn đó những lo ngại về việc dòng chảy dầu của Nga bị gián đoạn có thể "bóp chết" một thị trường vốn đã được thắt chặt, OPEC và các tổ chức khác đã nhanh chóng trấn an rằng không có sự thiếu hụt nghiêm trọng nào diễn ra.

Đợt bùng phát Covid mới nhất tại Trung Quốc với các biến chủng có khả năng lây nhiễm cao ở một số thành phố và khu kinh tế phát triển nhất là một thách thức chưa từng có với chiến lược Zero Covid của nước này. Trung Quốc đã bơm thêm tiền vào vào hệ thống tài chính và đặt tỷ giá tham chiếu yếu hơn dự kiến cho đồng nhân dân tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

"Tình trạng giãn cách tại Trung Quốc đã gây kinh hoàng cho thị trường. Đồng thời, việc giá nhiên liệu tăng cao trên thế giới cũng khiến nhu cầu của người dùng giảm mạnh", John Kilduff – chuyên gia của Again Capital cho biết.

Dầu mỏ của Nga đang ngày càng bị cô lập khi người mua và các đơn vị vận chuyển đều quay lưng. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy xuất khẩu dầu của Nga không bị cắt đứt hoàn toàn. PJSC đang cung cấp các gói tài chính linh hoạt cho một số khách hàng để giữ cho dầu thô lưu thông trong khi Ấn Độ đang xây dựng cơ chế để giao dịch dầu thô thuận lợi bằng đồng nội tệ.

Tất cả những diễn biến lên - xuống một cách chóng mặt của giá dầu thô trong vài tuần qua cho thấy sự "mong manh" của loại hàng hoá này. Tất cả từ việc thị trường vốn đã thắt rất chặt về nguồn cung trong giai đoạn hậu Covid. Trong thời điểm nhạy cảm đó, bất kỳ một diễn biến mới nào có ảnh hưởng đến giá dầu đều khiến thị trường này đặc biệt sôi sục vì tâm lý lo ngại nói chung cho một loại nguyên liệu không thể thiếu để vận hành mọi hoạt động của nền kinh tế.

Tham khảo: Bloomberg, CNBC

Bạn đang đọc bài viết Giảm 20% trong 1 tuần, giá dầu ‘thủng’ mốc 100 USD/thùng, chuyện gì đang xảy ra?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới