Giá dầu lại cán mốc 130 USD/thùng, mức 30.000 đồng/lít xăng trong nước sắp đến?
Giá dầu đã trở lại mức cao nhất trong phiên đêm qua sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Bối cảnh này làm gia tăng áp lực lên giá xăng dầu trong nước.
Lệnh cấm "chưa từng có" của Mỹ làm giá dầu tăng phi mã
Trong cuộc họp báo đêm qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác của Nga, một động thái mà ông thừa nhận sẽ làm tăng giá năng lượng của Mỹ.
"Chúng tôi đang cấm mọi hoạt động nhập khẩu năng lượng dầu khí của Nga", ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
"Điều đó có nghĩa dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ và người Mỹ sẽ giáng một đòn mạnh khác vào cỗ máy chiến tranh của Nga", ông Biden nhấn mạnh.
"Chúng tôi đưa ra quyết định này với sự tham vấn chặt chẽ của các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu", ông Biden nói và cho biết đang hợp tác chặt chẽ với châu Âu và các đối tác để phát triển chiến lược dài hạn nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Sau lệnh cấm của Mỹ, dầu WTI đã tăng tới 7%, được giao dịch trên mức 128 USD/thùng trước khi chốt phiên ở mức 123,7 USD/thùng, tăng 3,6%. Giá dầu Brent cũng tăng 7,7% lên mức 132,75 USD/thùng trước khi giảm xuống còn 123,21 USD/thùng, tăng 4,3%.
Giá năng lượng tăng cao đang khiến người tiêu dùng "đau ví" khi phải trả giá xăng cao hơn. Tại Mỹ, theo Hiệp hội ô tô Mỹ, giá xăng trung bình trên toàn quốc đã tăng lên 4,172 USD/gallon vào ngày hôm qua. Trong khi mức kỷ lục trước đó là 4,114 USD/gallon lập được vào tháng 7/2008.
Các chuyên gia cho rằng giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục tăng. "Trừ phi có điều gì đó mang tính đột phá xảy ra. Chúng tôi cho rằng giá trung bình sẽ dao động trong khoảng 4,5 - 4,75 USD/gallon đối với xăng và hơn 5 USD/gallon đối với dầu diesel.
"Với vai trò quan trọng của Nga trong việc cung cấp năng lượng toàn cầu, nền kinh tế toàn cầu có thể sớm đối mặt với một trong những cú sốc cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay", Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý với khách hàng hôm 7/3.
Lo sợ mốc 30.000 đồng/lít xăng sẽ đến
Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội tính toán tại kỳ điều chỉnh sắp tới (11/3), giá xăng dầu có thể tăng mạnh ở mức từ 3.800 đến 4.800 đồng/lít, tùy loại.
Theo vị này, tính giá cơ sở ngày 8/3, giá bán ra trong nước đang âm là 3.800 đồng/lít với xăng và dầu diesel âm tới 4.800 đồng/lít.
Ngay sau kỳ điều chỉnh giá hôm 1/3 vừa qua, các doanh nghiệp đã lỗ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu thô thế giới tiếp đà tăng mạnh nên trong kỳ điều hành sắp tới, dù có can thiệp bằng quỹ thì giá vẫn tăng cao, vị này cho biết.
Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng sẽ vượt mốc 30.000 đồng/lít, tiếp tục phá vỡ kỷ lục. Sau kỳ điều chỉnh gần đây nhất hôm 1/3, giá xăng E5 RON 92 hiện có giá bán tối đa là 26.070 đồng/lít; RON 95 là 26.830 đồng/lít; dầu diesel 21.310 đồng/lít, dầu hỏa 19.970 đồng/lít; dầu mazut 18.460 đồng/kg.
Giá xăng dầu tăng cao không chỉ khiến người dân, các doanh nghiệp chật vật mà ngay bản thân giới kinh doanh mặt hàng này cũng kêu "đau đầu", "mệt mỏi". "Hiện cứ mỗi tàu xăng dầu được nhập về, doanh nghiệp như chúng tôi đã lỗ 30 - 40 tỷ đồng. Cứ đà này, chắc chắn chúng tôi sẽ không trụ được bao lâu, có thể phải dừng kinh doanh", một thương nhân phân phối xăng dầu cho hay.
Trao đổi với Dân trí, ông Bùi Ngọc Bảo - quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng việc điều hành giá tiệm cận với thế giới là cái "đích" cần hướng tới. Theo đó, nếu trong trường biến động mạnh, việc xem xét điều chỉnh 2 ngày một lần sẽ tiệm cận với giá thế giới hơn, giảm lỗ cho doanh nghiệp ngành này.
Tuy nhiên, ông Bảo cho biết vẫn chỉ giải quyết được phần nào, bởi vấn đề chính hiện nay là giá dầu thế giới tăng mạnh nhưng không phải do cung cầu mà đến từ những căng thẳng địa chính trị.