Giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm vẫn còn thấp
6 tháng đầu năm 2023, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 232.200 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch năm và tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 32,1% và tăng 10,4%).
Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng).
Hiện mới có 5/11 Bộ, ngành có giải ngân gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (47,42%), Bộ Giao thông vận tải (30,97%), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (30,56%), Bộ Tài nguyên và môi trường (4,19%), Bộ Giáo dục và đào tạo (5,26%).
Trong khi đó, với các địa phương, năm 2023, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn là 34.515 tỷ đồng. Tính đến 27/6, mới có 8/50 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, 13/50 địa phương chưa giải ngân vốn ngân sách Trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 6 đạt hơn 54.000 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm 2023, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nướcước đạt232.200 tỷđồng, bằng 33% kế hoạch năm và tăng20,5% so với cùng kỳ năm trước(cùng kỳ năm 2022 bằng 32,1% và tăng 10,4%).
Năm nay, kế hoạch vốn ngân sách được Quốc hội giao gần 711.700 tỷ đồng, tăng hơn 130.000 tỷ so với 2022 và 250.000 tỷ đồng so với 2021. Như vậy 6 tháng còn lại của năm cần giải ngân hơn 485.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, bình quân mỗi tháng giải ngân hơn 80.900 tỷ đồng.
Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với rất nhiều các giải pháp cụ thể.
Đồng thời, Bộ Tài chính cam kết tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi, thực hiện kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; Tiếp tục triển khai các đoàn đánh giá tình hình thực hiện, giải ngân, hoàn chứng từ, thanh quyết toán với các chủ dự án.
Các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện.
Tổng Cục Thống kê đề xuất Nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng, ở các lĩnh vực gồm đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản... vì một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng.
Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, không để vướng mắc kéo dài không giải quyết, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực vốn.
Lãnh đạo Bộ ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh phải trực tiếp phụ trách từng nhóm dự án cụ thể để kiểm tra đôn đốc kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tổ chức hồi tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thúc đẩy đầu tư công là nguồn lực, động lực phát triển" trong bối cảnh thế giới khó đoán định, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế chuyển đổi, nội tại nhiều khó khăn.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn, tức hơn 676.000 tỷ đồng.
Hoàng Minh