0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 24/02/2022 07:16 (GMT+7)

Giá xăng Việt Nam vẫn rẻ hơn thế giới, tại sao dân vẫn kêu đắt?

Theo dữ liệu quốc tế cho thấy, giá xăng Việt Nam thuộc hàng rẻ so với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc xăng tăng giá khiến nhiều người kêu “đắt”. Nguyên nhân là do thu nhập của người Việt vẫn thấp so với các nước khác.

Giá xăng Việt Nam ở đâu trong khu vực Đông Nam Á?

Được biết, trong khu vực Đông Nam Á, giá xăng một số nước thấp hơn Việt Nam. Đó là Malaysia 0,489 USD/lít (tương đương 11.124 đồng/lít), Indonesia 0,887 USD/lít (20.179 đồng/lít).

tm-img-alt
Mức thu nhập của người Việt còn thấp hơn so với các nước nên giá xăng tăng khiến nhiều người than đắt.

Còn lại các nước có giá xăng cao hơn Việt Nam là Campuchia 1,153 USD/lít (tương đương 26.230 đồng/lít), Philippines 1,213 USD/lít (tương đương 27.575 đồng/lít), Thái Lan 1,342 USD/lít (tương đương 30.530 đồng/lít), Lào 1,342 USD/lít (tương đương 30.530 đồng/lít), Singapore 1,986 USD/lít (tương đương 45.181 đồng/lít).

Các nước còn lại là Timor Leste, Myanmar, Brunei không được Global Petrol Prices cập nhật dữ liệu giá xăng.

Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á năm 2020 chỉ hơn Philippines (3.299 USD/người/năm, Lào (2.630 USD/người/năm), Campuchia (1.513 USD/người/năm), Timor Leste (1.381 USD/người/năm), Myanmar (1.400 USD/người/năm).

GDP bình quân đầu người Việt Nam thấp hơn nhiều so với Singapore là 59.798 USD/người/năm; Brunei là 27.443 USD/người/năm; Malaysia là 10.412 USD/người/năm; Thái Lan là 7.189 USD/người/năm còn Indonesia là 3.870 USD/người/năm.

Điều này cho thấy, người Việt Nam  phải bỏ ra lượng tiền nhiều hơn trong tổng thu nhập để mua 1 lít xăng so với các nước G7 hay các nước ASEAN. Nói cách khác, tiền xăng đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong thu nhập của người dân Việt Nam nếu so với nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực.

Giá xăng trung bình trên thế giới theo dữ liệu của Global Petrol Prices là 1,26 USD/lít. Tuy nhiên, tổ chức này lưu ý có sự khác biệt đáng kể về giá giữa các quốc gia. Theo nguyên tắc chung, các nước giàu hơn có giá xăng dầu cao hơn, trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ có giá thấp hơn đáng kể. Một ngoại lệ đáng chú ý là Hoa Kỳ, một quốc gia kinh tế tiên tiến nhưng có giá khí đốt thấp.

Theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45-60% (ngoại trừ một số nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn), trong khi đó, đối với nước ta, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động kém hiệu quả

Nhà máy Nghi Sơn được thành lập tháng 4/2008 với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD vận hành thương mại ngày 14/11/2018. Cổ đông gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 25,1% vốn; Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait 35,1%; Công ty Idemisu Kosan Nhật Bản 35,1% và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản 4,7%.

Theo thỏa thuận giữa Chính phủ do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư, PVN sẽ là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn, với giá bán buôn tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu, cộng thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...).

Trong 10 năm (đến năm 2028), nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này. Bên cạnh đó, lọc dầu Nghi Sơn cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm đầu và nhiều ưu đãi thuế khác. Trên thực tế, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), với xăng từ năm 2023 thuế nhập khẩu sẽ xuống 5% và từ năm 2024 là 0%. Diesel và mazut là 0% từ năm 2016. Còn theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel từ năm 2016 là 5% và từ năm 2018 là 0%, riêng mazut từ năm 2016 thuế nhập khẩu đã là 0%.

Do vậy, đã phát sinh mâu thuẫn giữa các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với cam kết Nghi Sơn khi lộ trình giảm thuế nhanh hơn rất nhiều. PVN cho biết, trong 10 năm kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5 - 2 tỷ USD để bù thuế cho dự án. Chưa kể, số tiền thiệt hại thêm cho ngân sách quốc gia hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng khi áp dụng ưu đãi thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trọn đời của dự án; cán bộ, công nhân viên làm việc trong Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân; trong bất cứ tình hình thị trường quan hệ cung cầu ra sao thì Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng, dầu do nhà máy sản xuất ra tại cổng nhà máy...

Giải thích về nguyên nhân thua lỗ, lãnh đạo một nhà máy lọc dầu cho biết: “Thứ nhất  chi phí tài chính (vốn vay đắt); thứ hai là do giá dầu thô đầu vào đắt bởi nhà đầu tư liên danh cấp đầu vào (theo bản cam kết của Chính phủ, Kuwait Petroleum Corporation - một liên danh, sẽ bán dầu thô cho NSRP để dùng cho dự án NSRP - PV); lý do thứ ba là chi phí nhân sự lớn khi chi trả lương cho các chuyên gia nước ngoài rất cao. Được biết, lương của giám đốc nhà máy khoảng 1 triệu USD/năm - đây là mức lương cao khủng khiếp, cao hơn mức lương hoạt động của cả nhóm chuyên gia ở nơi khác.

Còn lý do nữa là chi phí vận hành, bảo dưỡng thiết bị máy móc cao (ngưỡng 900 tỷ đồng mỗi năm) và khó tránh khỏi sự quản lý lỏng lẻo khi có nhiều liên danh, nhiều nước. Từ việc nhiều mối, việc mua sắm cũng khó quản lý... thêm gánh nặng cho PVN và Chính phủ khi phải gánh lỗ của cả hệ thống... Tuy nhiên, vị này cũng đặt dấu hỏi về “kịch bản lỗ” liên tiếp, giống với một số liên doanh trước đó mà điển hình là Coca Cola.

PVN cũng nêu ra hàng loạt lý do vì sao Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Trong đó, PVN bày tỏ việc tập đoàn chỉ nắm hơn 25% cổ phần, nên công tác quản trị do phía nước ngoài điều hành còn nhiều bất cập cũng đã góp phần vào các khó khăn về tài chính hiện nay của NSRP.

Tương tự, một chuyên gia công tác lâu năm trong ngành công thương khẳng định, lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp vấn đề là mối nguy lớn đối với thị trường xăng dầu Việt Nam. Vị này phân tích, khi doanh nghiệp lỗ sẽ thiếu hụt dòng tiền, dẫn đến giảm công suất. Giảm công suất thì hoạt động kinh doanh càng không hiệu quả.

Lúc này, doanh nghiệp không phải vốn nhà nước, họ sẽ đóng cửa khi không nhìn thấy hướng có lãi. Còn với tỷ lệ nắm giữ vốn của PVN thấp, phía Việt Nam không quyết định được trong điều hành và biểu quyết trong hội đồng cũng chỉ có ý nghĩa đồng thuận tuyệt đối hay không...

Bạn đang đọc bài viết Giá xăng Việt Nam vẫn rẻ hơn thế giới, tại sao dân vẫn kêu đắt?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới