Giá hoa, cây cảnh ở nhiều địa phương tăng mạnh do nhà vườn giảm sản lượng Tết
Lo ngại dịch COVID-19, nhiều nhà vườn trồng hoa Tết chủ động giảm sản lượng. Do đó đẩy giá các loại hoa tại nhiều địa phương lên cao so với các năm trước, bà con trồng hoa cũng phấn khởi vì một mùa bội thu.
Giá hoa cảnh ở Trà Vinh tăng hơn 30%
Vụ hoa Tết Nguyên đán 2022, gia đình chị Lê Thị Thúy Diễm, làng nghề ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh trồng 9.000 chậu với hơn 10 loại hoa như: Cúc, vạn thọ, hướng dương, thược dược, sống đời, mào gà, đuôi phụng, hoa giấy… Hiện, vườn đã được nhiều thương lái đặt mua với giá dao động từ 60.000-100.000 đồng/cặp tùy loại. Tất cả các loại hoa đều tăng từ 20.000-30.000 đồng/cặp so với vụ hoa năm trước.
Cùng niềm vui được giá, ông Nguyễn Văn Thảo, làng nghề ấp Vĩnh Yên (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) chia sẻ, năm nay, thương lái đặt mua hoa khá trễ so với mọi năm nên người trồng rất lo lắng. Trước đó, nhiều gia đình trồng hoa trong làng nghề dự đoán vụ hoa tết này sức mua sẽ giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19, người dân thắt chặt chi tiêu. Chính vì vậy, nhiều hộ không sản xuất.
Ông Thảo cũng chỉ xuống giống 2.000 chậu với 4 loại hoa: Cúc, vạn thọ, mào gà và đuôi phụng, giảm 50% số lượng so với vụ hoa Tết 2021. Các loại này hiện đã được thương lái đặt mua với giá bình quân từ 80.000-100.000 đồng/cặp, cao hơn 25.000-30.000 đồng/cặp so với năm trước.
Tỉnh Trà Vinh có 2 làng nghề trồng hoa cảnh ấp Vĩnh Yên và ấp Long Bình, phường 4, thành phố Trà Vinh với gần 200 hộ trồng hoa, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 350 lao động địa phương.
Vụ sản xuất hoa tết năm nay, người dân gặp nhiều khó khăn do giá vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đều tăng mạnh, nhiều loại tăng giá gấp đôi so với năm trước. Cùng đó, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, người trồng hoa dự đoán thị trường tiêu thụ sẽ gặp khó nên giảm mạnh số lượng xuống giống. Vụ này, 2 làng nghề Vĩnh Yên và Long Bình chỉ trồng 370.000 chậu hoa kiểng các loại, giảm 135.000 chậu so với vụ Tết Nguyên đán năm trước.
Ông Nguyễn Văn Liêu, Trưởng phòng Kinh tế - Ủy ban nhân dân thành phố Trà Vinh cho biết, thời gian qua, để bảo tồn và phát triển 2 làng nghề này, thành phố đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ.
Cụ thể, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương cả đường bộ và đường sông, địa phương đầu tư gần 4 tỷ đồng hoàn thiện hệ thống giao thông cho làng nghề hoa kiểng ở phường 4. Tại làng nghề ở xã Long Đức, thành phố đầu tư 1,1 tỷ đồng hạ thế điện; đầu tư 350 triệu đồng hỗ trợ người dân làng nghề tiếp cận nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất…
Cúc Đà Lạt – Người trồng trúng đậm
Giá hoa cúc tại Đà Lạt cũng tăng gần 3.000 đồng/cành cận ngày Tết ông táo (23 tháng chạp), người trồng hoa cúc ở Đà Lạt (Lâm Đồng) trúng đậm.
Tại làng hoa truyền thống Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên… của TP Đà Lạt (Lâm Đồng), người trồng hoa rất phấn khởi, thương lái đến tận vườn đặt hàng thu mua với giá hoa tăng khá cao. Người dân hy vọng giá hoa sẽ tiếp tục tăng đến những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Bà Vũ Thị Hồng Hải một chủ vườn tại Lâm Đồng cho biết: “So với mọi năm, khoảng rằm tháng Chạp người trồng hoa Đà Lạt phải chủ động liên hệ cho thương lái để chốt số lượng, nhưng năm nay thương lái tự đến tận vườn đặt mua. Hiện tại, giá mỗi bó cúc 10 cành có giá từ 25.000 - 27.000 đồng tăng cao rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước đó. Sau khi trừ chi phí thu lợi hàng chục triệu đồng/sào (1.000 m2)”. Chị Hải phấn khởi chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng (41 tuổi, canh tác tại làng hoa Hà Đông, phường 8, TP Đà Lạt) phấn khởi cho biết "giữa năm 2021, giá hoa cúc rất cao nhưng đến gần Tết thì giá lại xuống thấp, gọi thương lái đến người ta không dám mua vì bán không được. Gia đình tôi đã phải nhổ bỏ làm phân 2 lần. Hiện tại giá hoa cúc đang tăng cao, người trồng hoa chúng tôi hy vọng một mùa hoa Tết no ấm".
Cũng theo anh Hoàng, vườn hoa cúc đại đóa 40.000 cây của gia đình anh đã có thương lái đến hỏi mua với giá 2.200 đồng/cây nhưng anh chưa bán. Vườn hoa của anh sẽ nở đúng vào dịp Tết, hiện tại đang phải bọc lưới cho từng bông sẵn sàng cho vụ hoa cúc Tết Nhâm Dần 2022.
Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng phòng Kinh tế TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhận định do ảnh hưởng dịch Covid-19, lo ngại rủi ro giá cả xuống thấp, thương lái không thu mua nên nhà vườn Đà Lạt xuống giống hoa vụ Tết Nhâm Dần chỉ được gần 800 ha, tức khoảng 70% so với những năm trước.
Giá tăng cao, làng hoa Tết 20 năm vẫn được thu mua sạch
Tại Kiên Giang, hiện tại, vụ hoa Tết 2022 của bà con làng hoa An Khương (huyện Châu Thành) được thương lái đặt cọc thu mua sạch vườn và giá bán cao hơn nhiều so với năm trước.
Dù ảnh hưởng dịch bệnh và tình hình hình vật tư tăng giá trong những ngày qua nhưng vụ hoa Tết năm nay khởi sắc, bà con trồng hoa được mùa, được giá ai cũng phấn khởi.
Theo Ban Giám đốc Hợp tác xã trồng hoa kiểng An Khương, các giống hoa được hợp tác xã trồng chủ yếu có thời gian sinh trưởng ngắn từ 2-2,5 tháng như vạn thọ, cúc, hướng dương, cát tường… Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh còn phức tạp, nhiều nhà vườn đã chủ động giảm 30% lượng hoa trồng so với mọi năm.
Hộ anh Lê Thanh Vũ (Kiên Giang), người đã trồng hoa Tết hơn 10 năm, anh Vũ cho hay, năm nay, một mình anh đi ngược với mọi người.
“Năm nay, tôi trồng 10.000 chậu, thử “làm liều” 1 lần. Khi các hộ giảm số lượng thì tôi vẫn tăng và trồng nhiều nhất trong các hộ. Đến thời điểm này thì sạch vườn, thương lái cọc mua hết rồi, các hộ khác cũng vậy. Phải nói là nhẹ cả người, bà con mình ăn Tết ngon lành”.
Không riêng gì hộ anh Vũ mà những hộ trồng hoa nơi đây đều thở phào nhẹ nhõm khi hoa đều “đã có chủ”. Thương lái đặt mua hết các vườn, chỉ vài hộ chừa lại một ít để bán lẻ hoặc do có khách đặt riêng. Bình quân mỗi cặp chậu hoa được thương lái thu mua đều tăng từ 6 đến 10 ngàn/cặp so với năm trước.
Chia sẻ với báo chí, Chị Trần Ngọc Thanh, ngụ thành phố Rạch Giá cho biết, năm nào, chị cũng lấy hoa từ các nhà vườn về bán lẻ tại trung tâm thương mại Rạch Giá.
“Năm nay, giá mua từ nhà vườn khá cao, vì vậy nên khi bán lẻ thì cũng sẽ có tăng lên. Giờ là chuẩn bị nhập hoa về để kịp bán trước đợt đầu cho các hộ gia đình mua về cúng ông Táo”, chị Thanh nói.