Giá điện tăng thêm 4,5%: Nhóm khách hàng nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Theo Tập đoàn EVN, giá điện bình quân sau khi điều chỉnh sẽ tác động đến nhiều nhóm khách hàng. Với mức tăng từ 230.000- 432.000 đồng/tháng.
Giá bán điện tăng 4,5%
Căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; căn cứ văn bản số 915/BCT-ĐTĐL ngày 8/11/2023 của Bộ Công Thương, ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Theo tính toán, chi phí sản xuất điện năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao, giá thành điện năm 2023 tiếp tục cao hơn năm 2022. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh.
Để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 08/11/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 9/11/2023.
Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Theo Tập đoàn EVN, giá điện bình quân sau khi điều chỉnh sẽ tác động đến nhiều nhóm khách hàng.
Cụ thể, với nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ có 547 nghìn khách hàng, sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 230.000 đồng/ tháng.
Với nhóm khách hàng sản xuất (có 1.909 nghìn khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 432.000 đồng/tháng.
Còn với nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp (có 681 nghìn khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 90.000 đồng/tháng.
Nhóm ngành sản xuất, kinh doanh chịu tác động lớn
Từng chia sẻ với báo chí về vấn đề này, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, hiện nay trừ ngành hàng không, vận tải đường thủy, đường sắt và một phần vận tải đường bộ là sử dụng xăng dầu, nhiên liệu hoá thạch, còn lại hầu hết các ngành đều sử dụng điện làm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Lâm, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán (COGS - là chi phí mua hoặc sản xuất các sản phẩm mà công ty bán trong một thời kỳ) của doanh nghiệp sản xuất thép, giấy, hóa chất. Riêng với ngành thép và xi măng còn có tác động lan tỏa đến cả ngành xây dựng.
“Xi măng là lĩnh vực "ngốn" điện nhiều nhất. Hiện chi phí giá điện chiếm khoảng 14-15% giá vốn hàng bán của những doanh nghiệp sản xuất xi măng, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì con số này là khoảng 9-10%. Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn, khoảng 4-5%”, ông Lâm nói.
Ước tính, giá điện tăng sẽ làm cho giá vốn hàng bán tăng thêm, thì tổng lợi nhuận trước thuế của từng ngành có thể giảm tương ứng. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chuyển chi phí điện tăng sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán sản phẩm thì có thể áp lực chi phí đầu vào sẽ giảm đi.
"Nhìn tổng thể, việc EVN tăng giá điện bán lẻ sẽ làm giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp sản xuất tăng, làm giảm lợi nhuận, ảnh hưởng phần nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải có ý thức tiết kiệm điện, cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại giá thành cho hợp lý", ông Lâm nói.
TS. Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, việc tăng giá điện sẽ tác động thế nào đến doanh nghiệp còn tuỳ thuộc vào các biện pháp tiết giảm chi phí giá thành sản xuất của các doanh nghiệp đó. Với nhiều biện pháp, nếu sử dụng linh hoạt, hợp lý thì áp lực này cũng không quá lớn.
Anh Thư