EVN nói gì về đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
EVN đồng ý phương án 3 tháng điều chỉnh giá điện/lần
Theo đó, trên cơ sở dự thảo của Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến ngày 13/7, EVN góp ý trên cơ sở gửi bản dự thảo đã hiệu chỉnh, cơ bản thống nhất và đồng tình với các nội dung. Bao gồm nguyên tắc, cơ chế điều chỉnh giá, mức độ tăng/giảm giá và thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện khi các khâu có biến động.
Cụ thể tại dự thảo này, nguyên tắc điều chỉnh giá là sau khi Bộ Công Thương kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu. Chi phí này bao gồm khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân sẽ có tăng, có giảm với biên độ được quy định rõ ràng. Cụ thể, trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ giảm giá bán ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp tăng giá sẽ được áp dụng khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên. Tuy nhiên, thẩm quyền điều chỉnh tăng giá sẽ căn cứ vào mức độ tăng của giá bán điện bình quân.
Cụ thể, nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ được quyền điều chỉnh tăng ở mức tương ứng. Sau khi tăng, EVN sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Bộ Công Thương sẽ có thẩm quyền quyết định khi nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN.
Còn với trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.
Đề xuất sửa, đổi giá bán lẻ điện bình quân
Một trong những quy định được EVN đề xuất sửa đổi khác với phương án của Bộ Công Thương là phương pháp lập giá bán điện bình quân.
Tại dự thảo, Bộ Công Thương quy định giá bán lẻ điện bình quân năm được lập trên cơ sở chi phí của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành, chi phí khác được phân bổ và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện, lợi nhuận định mức của EVN để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện.
Tuy nhiên, trong bản dự thảo được hiệu chỉnh, EVN đề xuất sửa đổi chi phí khâu “truyền tải điện” là chi phí “mua các dịch vụ truyền tải điện”; bổ sung thêm chi phí “điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực”.
Trên cơ sở đó, trong tổ chức thực hiện EVN đề nghị Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn EVN việc tính toán giá bán điện bình quân và các thành phần chi phí như đã nêu trên.
Chấm dứt cảnh giá điện “chỉ tăng, không giảm”
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình nhìn nhận, đúng là trong thời gian qua, giá điện chỉ tăng chứ không giảm. Từ năm 2009 đến nay, giá điện đã trải qua 11 lần điều chỉnh và cả 11 lần là tăng.
Vì vậy, với đề xuất của Bộ Công Thương EVN được phép tăng, giảm giá điện trong biên độ 1 - dưới 5% mỗi quý một lần, có thể sẽ chấm dứt hoặc ít ra là làm giãn cảnh giá điện “chỉ tăng, không giảm”. Nếu vào mùa nước lũ, thủy điện phát được nhiều, cộng với nhiệt điện than giảm giá thành sản xuất thì EVN hoàn toàn có thể giảm giá điện, đưa mức giá tiệm cận thị trường.
“Đây là tín hiệu khác với hàng chục năm qua, cho thấy giá điện có tăng có giảm, điều chỉnh giống xăng dầu vậy, để doanh nghiệp, hộ gia đình quen với tâm lý giá điện có tăng - có giảm và có tinh thần tiết kiệm chi tiêu ”, ông Đình nói.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, cho rằng: " Đề xuất của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh giá điện theo hướng có tăng, có giảm sẽ đưa giá điện dần dần tiến theo cơ chế thị trường. Cơ cấu phát điện của chúng ta là 43,5% nhiệt điện, còn lại là thủy điện. Trong khi đó, thủy điện có tính mùa vụ, khi tính mùa vụ thuận lợi cho sản xuất thủy điện và nhiên liệu đầu vào cho nhiệt điện giảm thì chúng ta hoàn toàn có thể giảm giá điện xuống được ".
Tuy vậy, ông Sơn bày tỏ sự băn khoăn liệu quy định này có thực hiện được hay không. Từ năm 2017 đến nay, giá điện bình quân đang áp dụng theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định giá bán điện bình quân xem xét 6 tháng điều chỉnh một lần. Tuy nhiên, trên thực tế, giá điện bình quân mới trải qua 3 lần điều chỉnh tăng mà không giảm.
Trong khi đó, GS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - nhấn mạnh, việc EVN tăng hay giảm giá điện bao giờ cũng phải có giải trình, tính toán vì sao tăng, vì sao giảm, những yếu tố nào quyết định tới việc tăng, giảm giá điện? EVN phải tính toán đầy đủ yếu tố đầu vào từ đó tính ra giá phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ...Như thế cũng sẽ không còn cảnh EVN kêu lỗ vì giá điện nữa.
Anh Thư