Giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 10
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 10 do yếu tố thời tiết thuận lợi sẽ hỗ trợ tốt cho cây cà phê ở Brazil ra hoa vụ mới.
Giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 10 |
Theo Cục Xuất nhập khẩu, tháng 9, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới giảm.
Mối lo ngại dịch COVID-19 bùng phát lần 2 và việc gói kích thích kinh tế vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua là những yếu tố gây tác động bất lợi đến thị trường hàng hoá thế giới trong tháng 9, trong đó có mặt hàng cà phê.
Bên cạnh đó, nguồn cung cà phê trên thị trường ở mức cao cũng gây áp lực lên giá cà phê trong thời gian qua.
Trên sàn giao dịch London, ngày 29/9 giá cà phê Robusta giao kì hạn tháng 11/2020 giảm 7,1% so với ngày 29/8/2020, xuống còn 1.327 USD/tấn. Kì hạn giao tháng 3/2021 và tháng 5/2021 giảm lần lượt 6,3% và 6,1% so với ngày 29/8/2020, xuống còn 1.346 USD/tấn và 1.359 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 29/9 giá cà phê Arabica giao kì hạn tháng 12/2020 giảm 15,7% so với ngày 29/8/2020, xuống mức 109,55 Uscent/lb.
Kì hạn giao tháng 3/2021 và tháng 5/2021 giảm lần lượt 11,6% và 19,6% so với ngày 29/8/2020, xuống mức 111,25 Uscent/lb và 112,7 Uscent/lb.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 10 do yếu tố thời tiết thuận lợi sẽ hỗ trợ tốt cho cây cà phê ở Brazil ra hoa vụ mới. Đồng Real suy yếu sẽ đẩy mạnh hoạt động bán hàng, tác động tiêu cực lên thị trường cà phê.
Thị trường cà phê toàn cầu đang đối mặt với tình trạng dư cung, cầu giảm và dự trữ cà phê tại các kho của Brazil ở mức cao sau vụ thu hoạch lớn trong năm nay.
Theo Tổ Chức Cà phê Thế giới tiêu thụ cà phê thế giới dự kiến giảm 0,5% xuống còn 167,81 triệu bao do đại dịch COVID-19 tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu và hạn chế việc sử dụng cà phê bên ngoài.
Trong khi nhu cầu tăng vọt do tâm lí hoảng loạn mua hàng tích trữ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, tiêu thụ cà phê trong những tháng còn lại của năm nay dự báo sẽ giảm do áp lực liên tục từ suy thoái kinh tế toàn cầu và sự phục hồi chậm chạp của việc tiêu thụ bên ngoài, đặc biệt là nhiều quốc gia lại tiếp tục phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai vào cuối năm.
So với niên vụ trước, nhu cầu ở 5 thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu, chiếm 63,7% tiêu dùng toàn cầu, đã giảm đáng kể.
Sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2019 - 2020 ước tính đạt 169,34 triệu bao, thấp hơn 2,2% so với niên vụ trước, do sản lượng arabica giảm 5% xuống còn 95,99 triệu bao, trong khi robusta tăng 1,9% lên 73,36 triệu bao.
Do đó, niên vụ 2019 - 2020 dự kiến kết thúc với thặng dư 1,54 triệu bao, thấp hơn so với niên vụ trước.
Tại Việt Nam, theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu cà phê tháng 9 giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 2% về trị giá so với tháng 8/2020; tăng 8,3% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với tháng 9/2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,25 triệu tấn, trị giá 2,16 tỉ USD, giảm 1,4% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 9, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 1.880 USD/tấn, tăng 2,2% so với tháng 8/2020 và tăng 3% so với tháng 9/2019. Trong 9 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 1.725 USD/tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm