0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 07/10/2022 15:49 (GMT+7)

Gặp khó trong kinh doanh xăng dầu, 36 doanh nghiệp gửi đơn 'cầu cứu' Thủ tướng

Trước tình hình kinh doanh xăng dầu thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nhóm 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa ký đơn tập thể gửi Thủ tướng phản ánh và mong sớm có giải pháp khắc phục.

Trong đơn kiến nghị, các doanh nghiệp cho rằng việc điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua có vấn đề, kéo theo những bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu. Theo Nghị định 95 của Chính phủ, doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố.

Tuy nhiên, thực tế trong quản lý, liên Bộ đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, để các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách "lách" quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác theo bảng kê của các hóa đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng 0 đồng. Với cách này, khi cộng phí vận chuyển, doanh nghiệp bán lẻ phải mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định.

Gặp khó trong kinh doanh xăng dầu, 36 doanh nghiệp gửi đơn "cầu cứu" Thủ tướng - Ảnh 1
36 doanh nghiệp gửi đơn "cầu cứu" Thủ tướng.

Các doanh nghiệp cho rằng nếu cơ quan quản lý tính đúng, tính đủ và để doanh nghiệp có lãi đủ để duy trì hoạt động thì không bao giờ có tình trạng đứt nguồn cung như thời gian qua. Vì vậy, nhất thiết cần phải thay đổi cách tính giá cơ sở cho phù hợp với tình hình mới.

Trong đơn, các doanh nghiệp nêu rõ với việc buộc phải mua hàng giá cao để duy trì bán ra theo dạng này, doanh nghiệp bán lẻ bị "đối xử tệ". Việc Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành yếu kém dẫn đến ép buộc doanh nghiệp bán lỗ là một hình thức "bức tử" doanh nghiệp, gây bất ổn thị trường.

Các doanh nghiệp đề nghị khi kinh doanh xăng dầu chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới, doanh nghiệp kiến nghị trước mắt nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ theo tỉ lệ không nhỏ hơn 6-7% trên giá bán mỗi lít xăng dầu. Nếu không quy định được chiết khấu đại lý thì cần quy định giá bán buôn (kể cả vận chuyển) không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định.

Bên cạnh đó, việc trích quỹ bình ổn cũng cần xem xét loại bỏ, vì hoạt động không khách quan. Nên đưa công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn, người dân và toàn bộ doanh nghiệp cũng theo dõi được rõ ràng hơn.

Trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp kiến nghị cần có sự chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời, đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.

Liên quan đến vấn đề này, Vụ Thị Trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ví dụ, ngay từ tháng 2/2022, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014. Bên cạnh đó, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế.

“Qua đó nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu” - lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) giải thích.

Đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm: Bộ Tài chính mới chỉ điều chỉnh đối với mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế mà chưa điều chỉnh mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng theo thực tế rà soát.

“Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh, dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống bị hạn chế. Nhiều cửa hàng bán lẻ không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục” - Đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận.

Chiết khấu 0 đồng - Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó “trụ”

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chịu quản lý của Nhà nước và phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Bảo, với chiết khấu bằng 0 đồng như hiện nay thì không có doanh nghiệp nào tồn tại được, doanh nghiệp không thể bỏ tiền túi ra duy trì hoạt động trong thời gian dài. "Câu chuyện chiết khấu là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp và trong hợp đồng không có quy định cụ thể", ông nói.

Gặp khó trong kinh doanh xăng dầu, 36 doanh nghiệp gửi đơn "cầu cứu" Thủ tướng - Ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội cho biết việc áp dụng mức chiết khấu bằng 0 là không bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp bán lẻ ở cuối chuỗi, không có quyền đưa ra định mức chiết khấu nên chịu thiệt hại lớn nhất.

"Do đó, các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối... phải chia sẻ chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ. Ở góc độ các cơ quan quản lý, khi liên Bộ Tài chính - Công Thương đưa ra mức bán lẻ phải đảm bảo chi phí lưu thông, tránh hạ giá để lấy thành tích nhưng doanh nghiệp phải gánh lỗ. Nếu những vấn đề này không giải quyết được thì sẽ để lại nhiều hệ lụy", bà Hường kiến nghị.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Gặp khó trong kinh doanh xăng dầu, 36 doanh nghiệp gửi đơn 'cầu cứu' Thủ tướng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.