0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 14/01/2021 09:32 (GMT+7)

EVN đang kiểm tra tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tại Tây Nguyên

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có công văn đề nghị khẩn trương kiểm tra, rà soát và báo cáo việc thực hiện công tác xác nhận ngày vận hành của các hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Thành lập Đoàn công tác để kiểm tra

Theo báo cáo sơ bộ từ EVN, tính đến hết ngày 31/12/2020, cả nước có 105.996 hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đi vào vận hành. Tổng công suất lắp đặt 9.731 MWp (khoảng 7.784 MWac), sản lượng tích lũy ước đạt khoảng 1.337.093 MWh, giảm phát thải khoảng 1.220.766 tấn khí CO2.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 13, ngày 17/7/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 18 để hướng dẫn thực hiện về phát triển các dự án điện mặt trời.

Đối với thông tin một số tỉnh Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk triển khai ồ ạt ĐMTMN, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có Văn bản số 1935/ĐL-NLTT ngày 30/11/2020 yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương kiểm tra tình hình phát triển ĐMTMN tại Tây Nguyên và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 10/12/2020. Hiện nay, EVN đang tổ chức thực hiện.

Một số tỉnh Tây Nguyên phát triển điện mặt trời áp mái "núp bóng" trang trại. Ảnh minh họa.

Trước đó, trong tháng 10/ 2020, khi nhận được phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về việc triển khai ồ ạt ĐMTMN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã tổ chức đoàn công tác có sự tham gia của chính quyền địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến kiểm tra tại Công ty Điện lực Đắk Lắk và kiểm tra thực địa. Tại thời điểm kiểm tra cho thấy, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư hệ thống ĐMTMN phù hợp với quy định hiện hành.

Ngoài ra, ngày 06/01/2021, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có công văn số 06/ĐL-NLTT gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị khẩn trương kiểm tra, rà soát và báo cáo việc thực hiện công tác xác nhận ngày vận hành của các hệ thống ĐMTMN, đặc biệt là các hệ thống ĐMTMN đưa vào vận hành trong cuối tháng 12/2020 tại các tỉnh có phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng để đảm bảo việc triển khai cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện đúng quy định hiện hành.

Ngày 07/01/2021, EVN đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-EVN để thành lập Đoàn công tác để kiểm tra tình hình phát triển ĐMTMN tại Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung. Khi nhận được báo cáo kết quả Đoàn công tác của EVN, Bộ Công Thương sẽ cung cấp thông tin thêm đến các cơ quan báo chí, truyền thông biết.

“Quan điểm của Bộ Công Thương là các cá nhân, tổ chức khi phát triển ĐMTMN, thực hiện đúng quy định các quy định về hệ thống ĐMTMN, về xây dựng, về đất đai, PCCC, môi trường..., như đã quy định tại Văn bản hướng dẫn số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 thì đều được hưởng ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước về ĐMTMN”, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định.

Cần phát triển điện mặt trời mái nhà đảm bảo đúng quy định

Theo ông Dũng, phát triển ĐMTMN là phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo nói chung và ĐMTMN nói riêng. Với lợi ích, đặc điểm riêng của ĐMTMN, Bộ Công Thương thấy rằng cần tiếp tục khuyến khích phát triển ĐMTMN.

Trong bối cảnh tiềm năng thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết; Nhiệt điện than khó thu xếp vốn quốc tế do cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu; Nhiệt điện khí hóa lỏng có giá bán điện còn khá cao và phụ thuộc nguồn nhiên liệu thế giới; Sự phát triển của khoa học công nghệ và thị trường làm giá điện gió, điện mặt trời ngày càng cạnh tranh hơn so với các nguồn điện truyền thống. Phát triển điện năng lượng tái tạo nói chung và ĐMTMN nói riêng sẽ tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới.

Trong giai đoạn vừa qua, việc phát triển nguồn điện truyền thống gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ, việc phát triển các nguồn điện gió, điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng đã góp phần rất lớn giảm nguy cơ thiếu điện và giảm việc phát điện chạy dầu và đặc biệt giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường.

“Trong thời gian tới, cần có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương, sự hướng dẫn, phổ biến, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng trong các lĩnh vực xây dựng, đất đai, nông nghiệp, PCCC, môi trường..., để việc quản lý phát triển ĐMTMN đảm bảo đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lắp đặt ĐMTMN, đặc biệt là tại các đô thị, khu công nghiệp..., là nơi tiêu thụ nhiều điện nên cần được khuyến khích phát triển ĐMTMN”, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết.

Cơ quan chức năng tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên (các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông…) phát hiện hàng loạt bất cập trong hoạt động phát triển điện mặt trời mái nhà (điện mặt trời áp mái) “núp bóng” mô hình trang trại, nhà xưởng.

Trong đó, theo báo cáo kết quả kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã có thỏa thuận, đấu nối vào lưới điện khi mô hình trang trại, nhà xưởng kết hợp điện mặt trời áp mái chưa hoàn thiện thủ tục làm trang trại, mới có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đang trong giai đoạn thi công…

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết EVN đang kiểm tra tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tại Tây Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới