Điện mặt trời 'ồ ạt' vào Gia Lai, nhiều mối lo?
Song song với sự phát triển điện mặt trời tại Gia Lai, nhiều câu hỏi đã được đặt ra quanh vấn đề bảo vệ môi trường, chính sách với các dự án điện.
Gia Lai là một trong số ít những tỉnh ở Việt Nam có bức xạ nhiệt tốt, số giờ nắng nhiều với trung bình khoảng 4 giờ nắng/ngày rất thích hợp cho việc phát triển điện mặt trời. Do đó, nhiều nhà đầu tư ở Gia Lai cũng như các tỉnh đã tìm đến đây để tìm hiểu cơ hội, khảo sát đầu tư điện mặt trời cả nhà máy lẫn điện mặt trời áp mái.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Gia Lai, hiện tỉnh này có 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 138 MWp. Các dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Gia Lai.
Ngoài ra, 10 dự án điện mặt trời khác với tổng công suất 632 MWp đang tiến hành những thủ tục pháp lý để thực hiện dự án. Những dự án này tập trung ở các địa phương như huyện Phú Thiện, Krông Pa, thị xã Ayun Pa. Với suất đầu tư trong khoảng 25 - 29 tỉ đồng. Có thể thấy, điện mặt trời đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư.
Điện mặt trời "ồ ạt" vào Gia Lai, nhiều mối lo? |
Theo tính toán của Bộ Công thương, do nhu cầu phụ tải điện từ nay tới năm 2025 tăng bình quân 8,5%/năm, do vậy, việc đẩy mạnh phát triển dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là cần thiết và tất yếu.
Song song với sự phát triển, mới đây trong phiên chất vấn sáng 10/12 của Kỳ họp thứ 16, khoá XI của HĐND Gia Lai, vấn đề phát triển nóng các dự án năng lượng và xử lý lượng pin của hệ thống điện mặt trời sau khi hết hạn sử dụng đã trở thành vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Về việc phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời tại địa phương, ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho biết: Tỉnh đang có trên 2.000 công trình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 206MWp. Ngoài ra, có 2 dự án điện mặt trời công suất 84MWp đang vận hành và hàng chục dự án khác với tổng quy mô hơn 1.000 MWp trong quá trình triển khai.
Đặc biệt ông Binh cho biết, vấn đề nổi cộm hiện nay là làm sao kiểm soát các dự án núp bóng điện mặt trời áp mái để hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước.
Đối với lo ngại về việc xử lý pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng, ông Binh cho rằng: Pin năng lượng mặt trời được cấu tạo từ khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối; hiện chưa được tính là chất thải nguy hại. Trên thế giới, đã có những công ty xử lý tái chế những tấm thu năng lượng mặt trời. Vì thế khoảng 20 năm nữa, khi các tấm pin đồng loạt hết hạn, thì tin tưởng rằng công nghệ trong nước hoàn toàn xử lý được.
Theo lãnh đạo Sở Công thương Gia Lai, nhiều trang trại không có mái, nghe vấn đề mái năng lượng không thay được mái nhà thì họ lại áp mái, là áp mái tôn dưới mái năng lượng. Sở đang chờ hướng dẫn của Bộ Công thương để tham mưu UBND tỉnh và các sở ngành sẽ thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm.
Hiện trường vụ cháy |
Ngoài những vấn đề kể trên, việc đảm bảo an toàn khi lắp đặt, vận hành hệ thống điện mặt trời cũng là yếu tố cần lưu ý. Đơn cử như tháng 10 vừa rồi đã xảy ra vụ cháy 60 tấm pin điện mặt trời mái nhà của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai.
Theo kết quả điều tra của phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai), nguyên nhân dẫn đến vụ cháy 120 m2 pin điện mặt trời áp mái tại nhà xưởng của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (Khu Công nghiệp Diên Phú, TP Pleiku, Gia Lai) là do lỗi hệ thống, thiết bị điện.
Cụ thể, mối nối của các dây dẫn từ các tấm pin đến bộ phận xử lý inverter chưa đảm bảo, dẫn đến thoát nhiệt gây phóng điện và cháy.
Từ đó, ngành chức năng tỉnh Gia Lai cảnh báo người dân, doanh nghiệp khi thi công, lắp đặt năng lượng điện mặt trời mái nhà phải tìm đơn vị thi công có kiến thức chuyên môn, đảm bảo các vấn đề về môi trường và tuân thủ khuyến cáo của cơ quan nhà nước về phòng cháy chữa cháy.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm