EVN bị “bêu tên” vì nợ đóng bảo hiểm xã hội
Tập đoàn điện lực Việt Nam vừa bị Bảo hiểm xã hội Hà Nội “bêu tên” vì nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội vừa công khai danh sách gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH tính đến thời điểm cuối tháng 1/2023. Trong số các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội có Tập đoàn Điên lực Việt Nam (địa chỉ 11 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội). Tập đoàn này nợ đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 400 lao động với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.
Được biết, ông Dương Quang Thành hiện đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Theo Báo cáo tổng kết công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong năm 2022, EVN lỗ đột biến 31.360 tỷ đồng. Nguyên nhân được đưa ra là do yếu tố khách quan" khi EVN không được tăng giá điện.
Trong năm 2022, Tập đoàn EVN này ghi nhận doanh thu khoảng 460.700 tỷ đồng, tăng trên 4,3% so với 2021, trong đó công ty mẹ EVN ghi nhận thu 385.300 tỷ. Tuy nhiên, giá nhiên liệu thế giới và trong nước tăng đột biến khiến chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao, khoảng 53.200 tỷ đồng. Yếu tố này đã "ăn mòn" lợi nhuận khiến doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ lên tới 31.360 tỷ đồng.
Theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vị phạm, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH. Một số trường hợp sẽ bị xử lý với khung hình phạt rất nặng.
Trao đổi với báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết từ năm 2021 đến nay, mỗi năm đoàn giám sát liên ngành cấp trung ương do Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại 15 - 20 DN thuộc 4 - 6 tỉnh, thành phố. Tình trạng các DN chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về BHXH còn diễn ra khá phổ biến, trong đó nổi bật là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH.
Năm 2017 tại 5 địa phương được đoàn giám sát liên ngành thực hiện giám sát có tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lên tới hơn 332 tỉ đồng. Có 7/14 DN được giám sát thường xuyên chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN (trong khoảng 1 - 3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng BHXH hơn 28 tỉ đồng. Tại 14 DN được giám sát, có trên 1.200 NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng chưa được DN thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật...
Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định rõ, người có hành vi vi phạm, khung 1, phạt tiền từ 50.000.000 - 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm đối với người có nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên một trong những trường hợp sau:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, mà còn vi phạm trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
- Trốn đóng BHXH cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
Khung 2, phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
- Phạm tội 2 lần trở lên
- Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
- Trốn đóng bảo cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động.
Khung 3, phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
- Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên
- Người phạm tội trốn đóng BHXH cho 200 người lao động trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Vương Chân