Đưa thương hiệu xoài cát Hòa Lộc vươn xa
Để quảng bá thương hiệu xoài đặc sản, tỉnh Tiền Giang đã thành lập Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc tại vùng chuyên canh xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè.
Giống xoài cát được trồng tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường nay là ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nên được mang tên là xoài cát Hòa Lộc.
Tiền Giang hiện nay có diện tích trồng xoài cát Hòa Lộc trên 1.579 ha, tập trung chủ yếu tại khu vực ven sông Tiền thuộc huyện Cái Bè và Nam Cai Lậy, sản lượng hàng năm ước tính 35.926 tấn, năng suất 23 tấn/ha. Huyện Cái Bè đang là nơi tập trung xoài nhiều nhất tỉnh Tiền Giang với diện tích 3.622 ha, chiếm đến 52% tổng diện tích trồng xoài trong tỉnh.
Đưa thương hiệu xoài cát Hòa Lộc vươn xa |
Vùng trồng xoài cát Hòa Lộc tập trung tại 13 xã: Hòa Hưng, An Hữu, An Thái Trung, Tân Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lương, An Thái Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hòa Khánh, Hậu Thành và Mỹ Lợi A thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Hiện nay, xoài cát Hòa Lộc đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, New Zealand, Nga,...
Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00016 cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc. Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý "Hòa Lộc" cho sản phẩm xoài cát.
Để quảng bá thương hiệu trái cây đặc sản này, tỉnh Tiền Giang đã thành lập Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc tại vùng chuyên canh xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè.
Xoài cát Hòa Lộc là đặc sản địa phương |
Hiện tại, hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc có 114 xã viên với trên 68 ha diện tích trồng xoài cát Hòa Lộc chuyên canh, sản lượng xoài cho thu hoạch hàng năm gần 700 tấn cung ứng thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, nâng cao giá trị cây ăn quả đặc sản.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang - Dương Văn Bon, tỉnh đã triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện xoài cát Hòa Lộc, vùng Hòa Hưng, huyện Cái Bè gắn với du lịch sinh thái. Chương trình bao gồm nhiều nội dung điều tra xã hội học, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất các chính sách hỗ trợ nông dân trong vùng triển khai tại huyện Cái Bè.
Song song đó, phát triển mô hình sinh thái vườn xoài cát Hòa Lộc kết hợp với du lịch văn hóa làng nghề truyền thống, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Hòa Lộc cho sản phẩm xoài cát, hỗ trợ quảng bá sản phẩm…
Ngoài ra, còn phát triển bền vững các mô hình áp dụng GlobalGAP; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất và chất lượng xoài cát Hòa Lộc theo hướng GAP, tiến tới xây dựng vườn cây đầu dòng và nhân giống xoài cát Hòa Lộc cũng như nghiên cứu chuyển giao công nghệ bảo quản và chế biến một số sản phẩm có tiềm năng thương mại cao từ trái xoài cát Hòa Lộc…
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm