Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam những tháng cuối năm
Triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ kém khả quan khi dịch bệnh đang có dấu hiệu quay trở lại và bùng phát mạnh tại một số thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.
Tăng trưởng bất chấp COVID-19
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2020 đạt 1,05 tỷ USD, tăng 20,7% so với tháng 7/2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 832 triệu USD, tăng 28,8% so với tháng 7/2019.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6,09 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,44 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có dấu hiệu khởi sắc trong tháng 7/2020 do nhiều thị trường nhập khẩu mặt hàng này đã dần gỡ bỏ các hạn chế giãn cách.
Theo Cục Xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2020, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đạt 3,2 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này chiếm tới 64% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Đồ nội thất bằng gỗ là nhóm mặt hàng có giá trị gia tăng cao và liên tục chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ trong nhiều năm qua. Với tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng khác như dăm gỗ, gỗ ván và ván sàn, ngành gỗ đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng các sản phẩm có giá trị cao, thay vì xuất khẩu gỗ nguyên liệu.
Triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng tới kém khả quan |
Đáng chú ý, mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Hoa Kỳ trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 2,3 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2019, với tỷ trọng chiếm tới 70,8% tổng trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ.
Căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc vẫn đang có xu hướng rất phức tạp, vì vậy nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ đang chuyển dịch về Việt Nam.
Ngoài thị trường Hoa Kỳ, EU cũng là thị trường xuất khẩu (XK) sản phẩm gỗ quan trọng của Việt Nam. Trong năm 2019, kim ngạch XK sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt trên 1,03 tỷ USD, tăng 15,8% so với năm 2018, chiếm 9,2% thị phần XK. EU là thị trường quan trọng của Việt Nam bởi các sản phẩm chính dành cho người tiêu dùng EU là các sản phẩm gỗ nội và ngoại thất có giá trị cao.
Bên cạnh đó đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam còn xuất khẩu tới một số thị trường khác như: Nhật Bản, EU, Hàn Quốc…
Triển vọng kém khả quan do dịch qua trở lại
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư Ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, những năm gần đây XK gỗ sang thị trường EU khoảng 1-1,2 tỷ USD/năm. Đây là thị trường rất quan trọng vì bao gồm liên minh các nước khá “khó tính”. Việt Nam chủ yếu XK sang thị trường EU sản phẩm đồ gỗ tinh chế nội thất, ngoại thất có giá trị gia tăng cao.
Với Hiệp định VPA/FLEGT, dù XK sản phẩm gỗ sang EU không thể gia tăng đột biến nhưng hoàn toàn có thể kỳ vọng trị giá sẽ tăng lên, thu về nhiều kết quả.
“Đáng chú ý, ngoài câu chuyện tác động đến XK sản phẩm gỗ vào thị trường EU thì việc ký kết và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam nâng cao uy tín, chiếm được lòng tin tại các thị trường khác như Mỹ, Nhận Bản”, ông Hoài nói.
Ở góc độ sự chuẩn bị của DN để tận dụng cơ hội mà Hiệp định VPA/FLEGT đem lại, theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đến nay, các DN lớn có chế biến, XK gỗ sang EU cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong Hiệp định. Hiệp định này thực chất là sự tổng hợp, hệ thống hóa tất cả những gì ngành gỗ Việt Nam đã làm từ trước tới nay.
Hiệp định là vậy tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng tới kém khả quan, khi dịch bệnh đang có dấu hiệu quay trở lại và bùng phát mạnh tại một số thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.
Cụ thể, nhiều nước tại EU đang lo ngại làn sóng dịch Covid-19 thứ hai do tình hình dịch xấu trở lại. EU chuẩn bị sẽ ứng phó làn sóng dịch Covid-19 thứ hai trong bối cảnh tình trạng bùng phát dịch liên tục làm gia tăng việc tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Hay tại Hoa Kỳ, đại dịch Covid-19 đang khiến nền kinh tế Hoa Kỳ ảnh hưởng nặng nề. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Hoa Kỳ đã giảm tới 37% trong quý 2/2020 và dự báo sẽ giảm 6,6% trong năm 2020.
Theo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều bất ổn, nhiều rủi ro, trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về thời gian dịch bệnh kéo dài, nguy cơ có thêm các đợt sóng dịch mới, gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm