Dự báo hoa cảnh tiêu thụ chậm, nhà vườn thu hẹp diện tích
Để phục vụ thị trường hoa Tết Nhâm Dần, các vườn hoa tại TP.HCM đang tất bật chăm sóc hoa để đưa ra thị trường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà vườn dự báo sức mua giảm nên đã chủ động thu hẹp số lượng so với những năm trước.
Chủ động thu hẹp diện tích
Năm nay, thị trường hoa bớt sôi động do tác động của dịch bệnh. Vườn mai Chí Công ở phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức là một trong những vườn mai lâu năm, được nhiều người chơi mai biết đến. Thế nhưng năm nay nhà vườn chỉ tập trung chăm sóc gần 500 chậu mai giao Thủ Đức.
Một chủ vườn mai chia sẻ: “Năm nay kinh tế chịu ảnh hưởng nặng từ dịch COVID-19 nên dự báo sức mua sẽ giảm, nhà vườn không dám tăng số lượng mai mà chỉ tập trung chăm sóc những chậu mai của khách quen gửi từ những năm trước. Đây đều là những chậu mai lâu năm, được những người chơi mai thường xuyên hoặc các doanh nghiệp đặt, thuê trưng bày dịp Tết, sau đó gửi lại vườn để chăm sóc”.
“Những năm trước vùng Thủ Đức trồng rất nhiều mai bứng gốc, mai ghép nhưng vài năm trở lại đây hầu như không còn nữa vì hiệu quả kinh tế không cao, chỉ còn những nhà vườn chuyên làm mai chậu lâu năm. Những gốc mai lâu năm có giá trị cao nhưng cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm sóc mới cho ra hoa đều, đẹp và đúng thời điểm”, anh cho biết thêm.
Theo đó, những ngày này, nhiều hộ trồng hoa khu vực phường Thới An, quận 12 cũng tất bật những công đoạn cuối cùng để đưa các loại hoa ngắn ngày như cúc đại đóa, mào gà, dừa cạn, sao băng ra phục vụ thị trường Tết.
Một chủ vườn hoa cúc cho biết, thời điểm này các nhà vườn trồng cúc Đà Lạt, cúc Hà Nội đều phải tranh thủ tỉa lá và nụ nhỏ, chỉ để lại một nụ trên mỗi cành để bông được to, đẹp. Công việc ngắt nụ hoa, tỉa chồi con và buộc dây định hình tuy có vẻ đơn giản nhưng lại là khâu cuối cùng quyết định để có một chậu hoa đẹp và nở tròn đều. Bên cạnh đó, để hoa được sung sức và có thể chơi được lâu, cứ từ 7 -10 ngày nông dân phải bón phân một lần.
“Năm nay thời tiết thất thường, nhiều cơn mưa trái mùa nên người trồng hoa phải vất vả điều chỉnh chăm bón mới có những chậu hoa phát triển tốt. Chưa kể các loại vật tư từ giống, phân bón đến nhân công đều tăng so với năm trước nên khả năng lời không cao”, chị cho hay.
Gắn bó với nghề trồng hoa Tết hơn 20 năm thế nhưng năm nay một chủ vườn ở quận 12 (TP.HCM) quyết định thu hẹp sản xuất gần phân nửa so với những năm trước, từ 15.000 chậu xuống còn hơn 7.000 chậu các loại dừa cạn, dạ yến thảo, vân anh, cúc nhám...
Trao đổi về vấn đề này, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh Hoa, diện tích trồng hoa, cây kiểng của Tp. Hồ Chí Minh có xu hướng giảm do gặp khó khăn đầu ra. Tính chung diện tích trồng hoa kiểng của thành phố năm 2021 đã giảm 15,2%; trong đó, hoa nền giảm hơn 53%, chỉ còn 405 ha. Vùng trồng lan cắt cành ở Củ Chi hiện chỉ chăm sóc dưỡng cây, không đầu tư trồng mới.
Vẫn thấp thỏm nỗi lo đầu ra
Mặc dù đã chủ động giảm số lượng, diện tích nhưng nhiều nhà vườn vẫn đang thấp thỏm đầu ra vì gần đến Tết nhưng sức mua vẫn còn thấp. Đại diện một công ty có vườn mai trồng ở huyện Bình Chánh cho biết, ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, hầu hết người dân đều khó khăn nên nhu cầu mua mai nói riêng và các loại hoa trưng Tết dự báo chỉ bằng khoảng một nửa so với năm trước, dù năm trước cũng đã giảm so với khi chưa có dịch Covid-19.
Theo đó, các mối lấy sỉ mai năm nay đặt mua ít hơn, các doanh nghiệp thường thuê mai cũng giảm và có tâm lý đợi đến cận ngày mới chốt. Dù chi phí đầu tư cao nhưng giá bán mai và cho thuê mai năm nay được nhiều nhà vườn giảm nhẹ so với năm trước để kích cầu.
Nhận định về vấn đề này, một chủ vườn gắn bó lâu năm với nghề trồng hoa chia sẻ, kinh tế khó khăn do dịch bệnh, thu nhập chung của người dân đều giảm, nhà vườn dự báo sức mua kém hơn nên phải tự điều chỉnh số lượng trồng giảm. Mọi năm đến giữa tháng Chạp là các mối quen đã tấp nập đến vườn để chọn và đặt số lượng trước, cận Tết chỉ đến vận chuyển. Thời điểm này năm nay số người đi mua sỉ vẫn còn thưa thớt, số lượng đặt hàng cũng không nhiều. Mặt khác, nhiều vườn đồng loạt giảm số lượng trồng nên thương lái cũng khó chọn hơn mọi năm.
Về giá cả, các nhà vườn cũng cân nhắc, do chi phí sản xuất tăng nên một số loại hoa được điều chỉnh tăng khoảng 10%, còn lại đều giữ giá. Trung bình mỗi cặp hoa dừa cạn, sao băng, dạ yến thảo… có giá từ 100.000 - 120.000 đồng. Trong khi đó, hoa mào gà có giá 80.000 đồng/cặp, cúc đại đóa dao động từ 180.000 -200.000 đồng/cặp tùy kích cỡ.
Vừa là nhà vườn vừa trực tiếp bán lẻ, chủ vườn hoa kiểng Thanh Long, thành phố Thủ Đức cho biết, năm nay vườn nhà hạn chế trồng các loại hoa ngắn ngày, chỉ tập trung một số loại phổ biến và có giá khá mềm nhưng chị vẫn lo khó bán hết lượng hoa, kiểng đã trồng. Ngoài những khách có thói quen trồng cây thường xuyên thì số người ghé xem, mua các loại hoa trưng Tết vẫn chỉ lác đác.
Chưa biết những ngày tới thị trường có sôi động hơn hay không nên chị Lạc chỉ mới vận chuyển một lượng ít các loại dừa cạn, sao băng, cúc mâm xôi để “thăm dò” sức mua.
Kinh tế khó khăn do tác động của dịch bệnh cùng tâm lý thắt chặt chi tiêu đã khiến nhiều người còn dè dặt mua hoa chơi Tết. Một số khác cho rằng đợi sát Tết, khi đó sẽ được mua giá rẻ hơn. Có lẽ chính vì những lý do này mà nhiều thị trường hoa cảnh năm nay dự báo sẽ bớt sôi động hơn mọi năm.