Dòng tiền sẽ đi về đâu?
Sau đợt thăng hoa, bùng nổ của thị trường chứng khoán và bất động sản, dòng tiền sẽ ghé thăm tài sản nào trong thời gian tới là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Ngân hàng hút mạnh tiền gửi
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 05/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.292,68 điểm, giảm hơn 15% so với thời điểm đầu năm. Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 5 ghi nhận giá trị dịch bình quân phiên trên 14.951 tỷ đồng, giảm gần 46% so với đầu năm.
Những diễn biến không quá tích cực trên thị trường này đến từ nhiều yếu tố, như tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trước những vụ việc vi phạm nghiêm trọng về công bố thông tin vừa được phát hiện gần đây; hoặc những quan ngại về diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, lạm phát toàn cầu.
Ở chiều ngược lại, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng liên tục vượt đỉnh. Tính đến cuối tháng 3/2022 tiền gửi của dân cư là gần 5,5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ; của các tổ chức kinh tế là gần 5,9 triệu tỷ đồng, tăng gần 19%. Đặc biệt, số tiền gửi tăng thêm của dân cư trong 3 tháng đầu năm nhiều hơn cả mức tăng tiền gửi của cả năm 2021.
Trong khi tiền gửi đã tăng, các ngân hàng còn có thêm nhiều động thái nâng lãi suất huy động nhằm thu hút tiền gửi, đón đầu dòng tiền rời khỏi các kênh đầu tư có biến động lớn. Theo cập nhật tại nhiều ngân hàng tại thời điểm chiều 2/6, lãi suất huy động cao nhất ở một số ngân hàng đã lên đến 7% - 7,2%/năm, trong đó hai "tân binh" vừa tăng lãi suất là ABBank và Bac A Bank.
Tại sao tiền vào ngân hàng lại tăng?
Theo TS Đinh Thế Hiển, đã có những nhà đầu tư chuyển tiền từ tài khoản chờ mua bất động sản sang gửi tiết kiệm tại các kỳ hạn. Bên cạnh đó, có khả năng một bộ phận không nhỏ đến từ kênh chứng khoán cũng đã quay về gửi ngân hàng.
Chuyên gia giải thích, bất động sản là một ngành có tính chu kỳ. Ở thời điểm 2019, đã có không ít dấu hiệu chỉ ra ngành này sẽ bước vào một giai đoạn giảm. Tuy nhiên giai đoạn năm 2020-2021, bất động sản chẳng những không giảm mà ngược lại còn tăng rất mạnh.
Bất chấp những sự không hợp lý trong tương quan về cái giá phải trả và tiềm năng có thể khai thác của bất động sản, thị trường vẫn có những lý do thôi thúc nhà đầu tư tham gia. Điều này có thể nhìn thấy ở rất nhiều phân khúc dù là đất nền ở khu vực vùng sâu vùng xa hay loại hình nhà đất du lịch. Giai đoạn hiện tại là lúc mà nhóm ngành này được đưa về đúng giá trị của nó.
"Nhiều nhà đầu tư nhìn vào đà giảm của thị trường mà cho rằng nhà nước siết bất động sản. Tuy nhiên, trên thực tế đây là từ quy luật kinh tế" – ông Hiển cho biết
Điều tương tự cũng xảy ra ở thị trường chứng khoán. Có những cổ phiếu vào thời điểm nền kinh tế tốt nhất chỉ ở giá khoảng 10-20 nghìn đồng, song sang đến năm 2021 lại có giá hàng trăm nghìn. Điều này đã thu hút không ít dòng tiền đầu cơ mua cao để bán cao hơn.
"Trong ngắn hạn có thể quy luật kinh tế có thể không thể hiện hoặc bị lu mờ bởi sự đầu cơ. Tuy nhiên, trong dài hạn, những khoản đầu tư không đảm bảo được nền tảng giá trị thì dần dần quy luật kinh tế sẽ trả nó về với bản chất thật và điều đó đang xảy ra hiện nay"- ông Hiển nói.
Những gì mà nhà đầu tư đang nhìn thấy hiện nay chính là hệ quả của một giai đoạn "mua cao để bán cao hơn" của thị trường vừa qua. Không ít nhà đầu tư đã nhận thấy xu thế này và họ đã đưa dòng tiền của mình về với kênh ngân hàng.
Thời gian qua xuất hiện xu hướng tiền gửi của các doanh nghiệp nhiều hơn so với hộ gia đình. Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, hiện tượng này là do dòng tiền không đi vào nền kinh tế được nên phải lưu ở hệ thống ngân hàng. Đây có thể là của các doanh nghiệp bất động sản hoặc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thời gian vừa qua song chưa kịp tiêu hóa lượng tiền thu về.
"Khi nền kinh tế phục hồi, hoạt động sản xuất cũng tăng nhanh hơn thì việc doanh nghiệp đem tiền đi gửi là không hợp lý. Bản thân các doanh nghiệp luôn cần vốn, dòng vốn lưu động của họ cũng phải dựa vào việc vay ngân hàng. Nếu có, dòng tiền của họ chủ yếu là ở tiền gửi thanh toán hoặc tiền gửi ngắn hạn để xoay vòng kinh doanh" - ông nói thêm.
Ngoài tiết kiệm, dòng tiền liệu có tìm đến vàng?
Theo chuyên gia, trong những năm 2020-2021, do có những sự bất thường như dịch bệnh và bất ổn kinh tế trên thế giới nên vàng tăng mạnh. Sang đến 2022, thêm tác nhân từ cuộc xung đột địa chính trị tại Đông Âu nên vàng mới không ngừng leo thang tăng giá rất mạnh.
Nhưng trên thực tế, kể từ giai đoạn năm 2014 tốc độ tăng giá vàng và khả năng sinh lợi mà tài sản này mang lại không vượt qua được lãi suất ngân hàng. Vì thế vàng không phải là một kênh phổ biến để chọn lựa trong nhiều năm qua. Kênh này chủ yếu là dành cho những người có thói quen mua vàng từ rất lâu hoặc tâm lý sợ đồng tiền mất giá.
"Từ 10 năm nay, vàng không còn là kênh cho những nhà đầu tư hoặc những người có hiểu biết nữa" – ông Hiển chia sẻ.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác làm cho vàng kém hấp dẫn đi đó là sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước quá cao hơn giá vàng thế giới.
"Vàng là vàng, không nên có sự chênh lệch, nếu có chênh lệch cùng lắm chỉ là những loại thuế phí hoặc tiền gia công chế tác và chênh lệch khoảng 400 - 500 nghìn là hợp lí, 1-2 triệu là đã là bất thường. Ở đây mức sai khác lại lại lên đến hơn 10 triệu. Nếu mua không khác mua thiệt vào thân, những người có nhận thức sẽ không chấp nhận lỗ như vậy"- chuyên gia nhận định.
Vì không muốn bị bất lợi song vẫn mong muốn có một kênh đầu tư an toàn, nên đã có không ít nhà đầu tư chọn kênh tiết kiệm thay vì vàng.
Tương lai nào cho chứng khoán và bất động sản?
Theo chuyên gia, cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam rất khác biệt so với thế giới. Ở các quốc gia khác, vốn hóa của thị trường chứng khoán chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Còn ở Việt Nam, vốn hóa lớn nhất thuộc về 3 ngành ngân, chứng khoán và bất động sản. Để thu hút được dòng tiền thực sự vào đây, chuyên gia gợi ý cần phải có thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư Việt tham gia thị trường chứng khoán chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Trong khi đó, ở các nước phát triển, người dân chủ yếu đầu tư qua các quỹ tương hỗ, các quỹ bảo hiểm, các quỹ hưu trí. Vì thế tầm nhìn của nhà đầu tư sẽ không bền vững và dài hạn như cách mà các quỹ đầu tư làm
"Thời gian qua, mặc dù dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán là rất lớn, song nó là không đáng kể so với lượng vốn của người dân trong nền kinh tế. Sắp tới dù thị trường chứng khoán có phục hồi song nó không phải là kênh để người dân bỏ tiền vào như ở các nước phát triển" - ông Hiển chia sẻ.
Chứng khoán sẽ thực sự thu hút được dòng tiền khi mà có nhiều doanh nghiệp kinh doanh sản xuất hơn và các công ty có thể phát huy được năng lực thực sự, thay vì các công ty nhà đất, chứng khoán như hiện tại.
Theo chuyên gia, năm 2022 bất động sản không còn nhiều khả năng tăng giá. Dòng tiền sẽ chủ yếu lưu thông nội bộ thị trường, mua bán trao đổi lẫn nhau. Sẽ không có câu chuyện ồ ạt rút ngân hàng để đổ vào thị trường. Các ngân hàng hiện cũng đang thu hồi nợ tích cực và cho vay ở mức an toàn hơn.
Cao Lan