Đồng Tháp: Phê duyệt Đề án bảo tồn vườn quýt Hồng Lai Vung gần 550 ha
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án Bảo tồn vườn quýt Hồng huyện Lai Vung, giai đoạn 2020 - 2024.
Đồng Tháp phê duyệt Đề án Bảo tồn vườn quýt Hồng Lai Vung gần 550 ha |
Theo đó, bảo tồn vùng trồng quýt Hồng tập trung theo bản đồ quy hoạch thuộc Dự án “Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận quýt Hồng Lai Vung” tại các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và phát triển sang vùng phụ cận thuộc xã Hòa Long; bảo tồn nguồn gen cây quýt Hồng bản địa, phục vụ công tác nhân giống và duy trì sản xuất bền vững.
Phấn đấu đến năm 2024 diện tích bảo tồn đạt 546,63 ha, trong đó khu vực khắc phục dịch bệnh là 198,71 ha, khu vực trồng lại hoàn toàn là 347,92 ha.
Đề án cũng đưa ra 07 giải pháp thực hiện, bao gồm giải pháp về quy hoạch; khoa học công nghệ; đào tạo, tập huấn, thông tin - tuyên truyền; cơ giới hoá sản xuất; kỹ thuật canh tác; sản xuất và cung ứng giống; sản xuất, cung ứng phân hữu cơ.
Đề án bảo tồn vườn quýt hồng Lai Vung, giai đoạn 2020 - 2024 nhằm khôi phục lại loại cây thế mạnh của địa phương |
Xuất phát từ yêu cầu vực dậy ngành hàng quýt Hồng từng một thời đóng góp lớn cho GDP của huyện Lai Vung và cũng nhằm duy trì phát triển loại trái cây đặc sản được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nên việc xây dựng “Đề án bảo tồn quýt Hồng huyện Lai Vung” là rất cấp thiết góp phần giữ vững diện tích và tăng thu nhập bình quân cho nông dân, giúp Lai Vung nhanh chóng đạt tiêu chuẩn huyện nông thôn mới theo đăng ký trong những năm sắp tới.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ cố gắng triển khai nhiều giải pháp phục hồi diện tích loại cây thế mạnh của Lai Vung. Trong đó, lưu ý hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật và định hướng, khuyến nông, truy xuất nguồn gốc, tìm đầu ra cho cây quýt hồng.
Đồng thời, chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện hiệu quả Đề án bảo tồn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2020-2024; khảo sát lại các diện tích trồng cây quýt hồng tại huyện, xem xét lại thực tế của nông dân về nguồn vốn và khả năng sản xuất; chú trọng đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, ưu tiên hỗ trợ chính sách cho các HTX; khảo sát nghiên cứu tìm cây đầu dòng có giá trị và xem xét phát triển du lịch về cây có múi.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm