Đồng Nai: Xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu cho nông sản chủ lực
Việc cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất được nguồn gốc nông sản được xem là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản vì giúp minh bạch thông tin từ sản xuất, chế biến đến phân phối và người tiêu dùng có thể tự kiểm chứng. Nắm bắt điều này, thời gian gần đây, Đồng Nai khá chú trọng hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu cho nhiều loại nông sản thế mạnh của địa phương.
Để đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất chuyển theo hướng an toàn, tập thói quen ghi nhật ký sản xuất… Do chương trình đang trong giai đoạn thí điểm trước khi nhân rộng tại địa phương nên nông dân đang được hỗ trợ khi tham gia chương trình này.
Thu hoạch xoài tại Đồng Nai
Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) chia sẻ: Vùng chuyên canh xoài của địa phương được chọn làm thí điểm cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Tham gia chương trình, nông dân được hỗ trợ rất nhiều, nhất là về kinh phí thực hiện.
Theo Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có gần 6,3 ngàn ha diện tích cây ăn trái được cấp 87 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và nhiều nước khác. Trong đó, toàn tỉnh có trên 6,1 ngàn ha cây ăn trái chủ lực của Đồng Nai như: xoài, chôm chôm, mít, thanh long… được cấp 73 mã số vùng trồng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, có 169ha các loại cây ăn trái như: xoài, chôm chôm, chanh không hạt đã được cấp 14 mã số vùng trồng xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Nhật Bản…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Lâm Sinh cho biết, việc cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Theo đó, Đồng Nai đang tiếp tục tập trung hỗ trợ nông dân thực hiện việc cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực của địa phương.
Tuy được hỗ trợ về kinh phí thực hiện nhưng để đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn, đặc biệt là phải ghi nhật ký sản xuất… Trong khi đó, hiện nông sản vẫn chủ yếu bán cho thương lái và sản phẩm có mã số vùng trồng chưa được quan tâm đúng mức đang là rào cản cho việc nhân rộng chương trình này.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm