Cá nước lạnh khó bán, người Lào Cai lo trắng tay
Do đặc tính của cá hồi đến kỳ sinh sản xong sẽ chết, vì vậy việc nuôi duy trì lâu ngày, không bán được, nguy cơ trắng tay là nỗi lo lớn đối với người nuôi.
Thông thường như mọi năm, vào mùa này bà con nuôi cá nước lạnh (trong đó chiếm 70% là hộ nuôi cá hồi) tại Sa Pa, Bát Xát... đang vào thời điểm thu hoạch cá sôi động, chủ yếu là phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, mọi đầu mối tiêu thụ cá đều đóng băng, khiến bà con ở đây rơi vào tình cảnh thê thảm chưa từng có.
Theo thống kê của Hiệp hội cá nước lạnh Lào Cai, toàn tỉnh có trên 150 cơ sở nuôi cá nước lạnh, tập trung chủ yếu ở thị xã Sa Pa và các huyện Bát Xát, Văn Bàn. Hiện còn khoảng 250 tấn cá đến thời điểm xuất bán nhưng vẫn phải tiếp tục nuôi duy trì, dẫn đến phát sinh chi phí, thiếu vốn sản xuất. Đặc biệt, với những hộ phải vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi lại càng khó khăn hơn, bởi vừa phải lo trả lãi ngân hàng, lo trang trải tiền cám cho cá ăn hằng ngày.
Do đặc tính của cá hồi đến kỳ sinh sản xong sẽ chết, vì vậy việc nuôi duy trì lâu ngày, không bán được, nguy cơ trắng tay là nỗi lo lớn đối với người nuôi, đẩy họ vào tình cảnh khó khăn chồng chất khó khăn. Mặt khác, do không tiên lượng được diễn biến của dịch bệnh Covid-19 nên người nuôi không thể chủ động điều tiết sản xuất, như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nuôi cá nước lạnh của cả năm 2020 và năm 2021.
Đặc sản cá hồi Lào Cai
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cá nước lạnh Lào Cai cũng cho biết: "Hiện đang vào thời điểm giao mùa, nước về ít khiến cá hồi dễ bị bệnh. Vì thế nếu không bán được các lứa cá này, bà con sẽ bị thiệt hại rất lớn, thậm chí sẽ có nhiều hộ sẽ trắng tay, phá sản".
Theo Sở NN&PTNT Lào Cai, quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020 thì thể tích nuôi cá nước lạnh tại các vùng có tiềm năng là 54.500 m3, nhưng đến nay theo báo cáo của các địa phương, số thể tích và diện tích nuôi loài cá này trên địa bàn tỉnh đã vượt quy hoạch khá nhiều.
Thừa nhận thực trạng việc chăn nuôi cá nước lạnh tự phát đang gây khó khăn cho ngành chăn nuôi cá đặc sản ở Lào Cai, ông Hải cho hay: Khi việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn thì người chăn nuôi nông hộ sẽ chịu sự tác động lớn và dễ bị thiệt hại nặng nhất. Còn các trang trại lớn dày vốn, có kinh nghiệm sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
"Đợt dịch này cũng có thể là cơ hội tốt giúp các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có ý thức hơn trong việc chăn nuôi cá chuyên nghiệp, có liên kết, đầu tư bài bản hơn", ông Hải nhấn mạnh.
Nhiều hộ dân hun khói cá hồi để bán
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: “Trước thực trạng cá nước lạnh không bán được, ngành nông nghiệp đã đề nghị các ngành tạo điều kiện cho cơ sở nuôi cá nước lạnh được giãn nợ, hoặc hỗ trợ lãi xuất; các cấp, ngành giúp các hộ nuôi cá nước lạnh liên kết với các cơ sở bảo quản lạnh với số lượng lớn”.
Trong đợt cao điểm 15 ngày cách ly, các nhà hàng, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hoạt động du lịch dừng hoạt động hoàn toàn, nên việc tiêu thụ sản phẩm cá hồi, cá tầm gặp rất nhiều khó khăn. Để đối phó với tình hình, nhiều người nuôi chuyển sang bán hàng online qua mạng internet hoặc giao hàng tận nhà, song sản lượng bán ra không đáng là bao so với nhu cầu tiêu thụ hằng ngày. Vì vậy, một giải pháp tổng thể là điều mà người nuôi cá nước lạnh của Lào Cai đang rất mong chờ trong lúc này.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm