Doanh nghiệp Việt cần làm gì để bảo vệ thương hiệu?
Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã mạnh tay xử lý nhiều vụ buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng nhập lậu giả mạo xuất xứ. Vì vậy các doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc bảo vệ thương hiệu của chính mình.
Trào lưu khởi nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ trong năm trở lại đây. Thế những, hơn 80% các công ty startup không tồn tại qua năm thứ hai vì họ thiếu kinh nghiệm, vốn, kiến thức… Trong đó, lý do là không biết cách bảo vệ thương hiệu của mình đủ mạnh so với đối thủ.
Không chỉ vậy, vấn đề hàng giả, hàng nhái đang diễn ra thường xuyên trên tất cả các lĩnh vực cũng khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng uy tín và mất đi lợi thế cạnh tranh.
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất đã lựa chọn bảo vệ cho thương hiệu của mình bằng cách quảng cáo qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, đây là cách không phù hợp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi chi phí đầu tư là rất lớn. Vì vậy, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chính là giải pháp bảo vệ thương hiệu hiệu quả nhất mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần thực hiện.
Điều mà doanh nghiệp cần thực hiện chính là đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các đối tượng bao gồm sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp và chỉ dẫn địa lý. Quyền bảo hộ sẽ được xác lập thông qua việc xét và cấp văn bằng cho chủ sở hữu đối tượng dựa trên quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đăng ký bảo hộ không chỉ giúp thương hiệu được pháp luật bảo vệ mà còn tránh được những rủi ro, nhầm lẫn với các thương hiệu khác thuộc cùng lĩnh vực. Hơn nữa là yên tâm thực hiện các hoạt động quảng bá thương hiệu, tránh được các vấn đề tranh chấp phát sinh và có quyền sở hữu thương hiệu độc quyền tại vùng lãnh thổ quốc gia đã đăng ký.
Chia sẻ thêm về vấn đề bảo vệ thương hiệu, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Anh Đào Phạm Thị Đào cho rằng, hàng giả tràn lan nhưng pháp luật xử lý còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách thuê thám tử theo dõi cách thức vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái thương hiệu Anh Đào; đầu tư công nghệ hiện đại để hạn chế bị làm giả.
Ngoài ra, để chống hàng giả, công ty áp dụng phương thức bán hàng theo từng tỉnh - thành với mã vạch riêng cho từng địa phương, nếu sản phẩm bán tại địa phương mà không khớp mã vạch sẽ bị thu hồi.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Minh Dương Chu Hương Giang cho biết, một trong những giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp trong hoạt động chống hàng giả là tăng cường các điểm bán sản phẩm. Đây không chỉ là cơ hội cho các DN tiếp cận với người tiêu dùng và nhận diện hàng Việt, mà còn tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước.
Minh Hà