Phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ
UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Kế hoạch số 3232/KH-UBND về phát triển nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) Chè Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 100% sản phẩm chè của các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP của tỉnh đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 sao trở lên được tư vấn, hướng dẫn rà soát điều kiện, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ.
Tăng thêm tối thiểu 5 doanh nghiệp, hợp tác xã đủ điều kiện và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ.
100% sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ có thể truy xuất được nguồn gốc, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy chế quản lý của cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đồng thời, xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ tại một số thị trường nước ngoài tiềm năng.
5 nội dung triển khai thực hiện, gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ và các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ tại một số thị trường nước ngoài tiềm năng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về sở sữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ...
Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có hơn 16.000 ha chè, năng suất chè đạt 118 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 185 nghìn tấn/năm; tỷ lệ diện tích các giống chè mới đạt 75,3%, trong đó, cơ cấu giống phục vụ chế biến chè xanh khoảng 30%. Việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển cây chè là chủ trương đúng đắn của tỉnh. Ðây là loại cây trồng ổn định, đem lại thu nhập bình quân từ 30 đến 40 triệu đồng/ha. Bên cạnh vùng nguyên liệu chế biến chè đen xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Ấn Ðộ, Trung Quốc, Ðức, Anh...
Tại Phú Thọ bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh (trồng bằng các giống LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên...) tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Ðoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh, Hạ Hòa.
Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng hiệu quả, phát triển bền vững mối quan hệ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, huy động, lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để tập trung phát triển cây chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Dự kiến, kinh phí đầu tư cho phát triển ngành chè khoảng 118 tỷ đồng. Tiếp tục sắp xếp các cơ sở chế biến; đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm mang lại giá trị cao, nâng thu nhập người sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ.