Doanh nghiệp 'không để người lao động không có thưởng Tết'
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế nhiều doanh nghiêp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay xở, tìm mọi cách để có kinh phí thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động. Điều này như món quà hỗ trợ, động viên người lao động dịp Tết.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động dù năm nay là một năm đầy khó khăn bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn cố gắng đưa ra mức thưởng hợp lí để hỗ trợ người lao động.
“Không để người lao động không có thưởng Tết”
Chia sẽ về vấn đề này, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Nidec Việt Nam cho biết, doanh nghiệp sẽ cố gắng có thưởng Tết cho người lao động như thông lệ hàng năm ở mức 1,1. Tức công ty sẽ dựa vào mức lương của người lao động của tháng liền kề trước khi nghỉ Tết và nhân với 1,1 để thưởng cho người lao động.
Đợt dịch từ tháng 5 đến tháng 10 đã khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, chi phí để duy trì sản xuất chiếm một khoản lớn. Hiện, đơn vị đã hoạt động trở lại khoảng 80% công suất. Mặc dù rất khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng cân đối tài chính để có thưởng Tết cho khoảng 5.000 lao động", Chủ tịch Công đoàn Nidec Việt Nam cho biết thêm.
Cũng chung tình trạng khó khăn này, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 - cũng cho biết năm nay dù chưa có kế hoạch thưởng Tết cụ thể nhưng vẫn sẽ có thưởng Tết cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp.
“Như thường lệ hàng năm, thưởng Tết tại doanh nghiệp sẽ từ 2-3 tháng lương, kèm quà Tết. Năm nay, do lợi nhuận giảm, tình hình kinh doanh chịu tổn thất lớn nên chúng tôi dự kiến chi thưởng tối thiểu 1 tháng lương cho người lao động.
Năm nay để có thưởng Tết cho người lao động là cả sự cố gắng, nổ lực của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thưởng Tết không chỉ để động viên người lao động mà còn nhằm giữ ổn định nguồn lao động sau Tết. Do đó, dù gặp khó khăn về tài chính nhưng đa số doanh nghiệp sẽ cố gắng có thưởng Tết cho người lao động", ông Hồng chia sẻ.
Thưởng Tết không chỉ là động viên mà còn giữ chân người lao động
Trao đổi với Zing về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, việc thưởng hay không là căn cứ vào tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng để giữ chân người lao động thì vẫn nên cố gắng duy trì thưởng Tết.
"Hiện, tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tốt. Trong khi đó, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, người lao động đã cố gắng ở lại đồng hành cùng doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh và cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính", bà nhận định.
Theo đó, bà cho biết, trong bối cảnh này người lao động đã có sự dịch chuyển về địa phương, nếu doanh nghiệp không chú trọng giữ lao động thì sau Tết, sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực.
Được biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Bên cạnh đó, người lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, thăm hỏi từ nguồn tài chính công đoàn với mức 300.000 đồng/người.
Dự kiến, nguồn tài chính công đoàn sẽ trích khoảng 2.400 tỷ đồng để chăm lo Tết cho khoảng 8 triệu đoàn viên, người lao động. Đối với đoàn viên, người lao động tại đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị công đoàn cơ sở chủ động cân đối nguồn tài chính để chăm lo, thăm hỏi.
“Mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 là 1,07 tỷ đồng, tại doanh nghiệp dân doanh ở TP.HCM. Mức thưởng Tết cao tại các địa phương khác: Hà Nội là 400 triệu đồng, Đà Nẵng là 127 triệu đồng, Đồng Nai là 600 triệu đồng, Bình Dương là 497 triệu đồng”, theo Báo cáo từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.