‘Điểm mặt’ những dự án vi phạm bảo vệ môi trường ở Bắc Ninh
Trong Kết luận số 17/KL-TTr ngày 15/3/2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ những sai phạm tại các dự án công trình xây dựng. Trong đó, hàng loạt dự án không thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Hàng loạt dự án không lập báo cáo ĐTM
Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành Kết luận Thanh tra số 17/KL-TTr ngày 15/03/2022 kết luận Thanh tra UBND tỉnh Bắc Ninh trong công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch; hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản giai đoạn 2016-2020.
Trong Kết luận số 17/KL-TTr ngày 15/3/2022 Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ những sai phạm tại 5 dự án công trình giao thông do Ban Quản lý xây dựng giao thông Bắc Ninh làm chủ đầu tư. Trong tổng số 5 dự án đó có 3 dự án không thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Qua kết quả thanh tra, cơ quan thanh tra của Bộ Xây dựng đã phát hiện nhiều vi phạm về công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị; tổ chức thực hiện quy hoạch, năng lực tổ chức, cá nhân thực hiện lập đồ án quy hoạch…
Cụ thể, Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh ĐT 279 đoạn Nội Doi - Thị trấn Phố Mới (lý trình Km3+500 - Km8+400) huyện Quế Võ không có báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án theo quy định, vi phạm khoản 1, Điều 12, Nghị định 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, dự án áp sai hệ số máy, nhân công trong dự toán khảo sát được phê duyệt dẫn đến làm tăng dự toán chi phí khảo sát và thanh toán sai tăng số tiền 13.812.529 đồng.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng Cải tạo, nâng cấp ĐT.284, đoạn từ Lãng Ngâm - Thị Trấn Thứa, huyện Gia Bình – Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 1: đoạn từ Km2+700 đến Km10+350, trong quá trình lập dự án phiếu lấy mẫu không ghi đầy đủ thông tin theo quy định về lấy mẫu; không thực hiện đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13.
Dự án đầu tư xây dựng Cải tạo, nâng cấp TL.286, đoạn Đông Yên Thị Trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh (lý trình Km7+569,04KM12+230) - giai đoạn 1
Nhật ký khoan ghi chưa đúng theo hướng dẫn tại Phụ lục 1 TCVN 9437:2012; các loại phiếu lấy mẫu không thể hiện đầy đủ thông tin theo quy định về lấy mẫu. Không thực hiện đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13.
Cơ quan thanh tra Bộ Xây dựng cũng phát hiện nhiều vi phạm trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị đối với đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị Lim mở rộng, huyện Tiên Du (diện tích 543,75 ha).
Theo đó, nội dung đánh giá môi trường chiến lược cũng không được Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược cũng không được tổ chức lập quy hoạch công bố trên trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương, không gửi về Bộ Xây dựng.
Giảm thiểu tác động môi trường của dự án
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định, ĐMT được coi như một công cụ để phân tích và dự báo các tác động đến môi trường khi triển khai dự án.
Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 bổ sung thủ tục ĐMT sơ bộ. Cụ thể, đối với các dự án đầu tư thuộc Nhóm I trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư 2020, chủ đầu tư phải tự thực hiện ĐMT sơ bộ.
Việc thực hiện ĐMT sơ bộ nhằm nhận dạng, dự báo các tác động chính của dự án đối với môi trường dựa trên quy mô, công nghệ sản xuất và địa điểm thực hiện dự án; từ đó đưa ra các phân tích, đánh giá, lựa chọn phương pháp nhằm giảm thiểu tác động môi trường của dự án. Đồng thời, việc ĐMT sơ bộ còn nhằm xác định các vấn đề môi trường chính và phạm vi tác động đến môi trường cần lưu ý trong quá trình thực hiện ĐMT.
Một lưu ý nữa là thay vì xác định đối tượng theo thẩm quyền phê duyệt dự án như Luật Bảo vệ môi trường 2014, Điều 30 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thu hẹp phạm vi đối tượng và xác định theo mức độ tác động đến môi trường, bao gồm: Các dự án đầu tư thuộc nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao và một số dự án đầu tư thuộc nhóm II là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo điểm c, d, đ, e, khoản 4, Điều 28, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định rõ hơn về nội dung của báo cáo ĐTM. Theo đó, các nội dung chính của báo cáo ĐTM bổ sung nhiều yêu cầu hơn so với Luật Bảo vệ môi trường 2014, đặc biệt báo cáo yêu cầu phải đánh giá, nhận dạng các sự cố môi trường có thể xảy ra; đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan…
"Thay vì phê duyệt báo cáo ĐTM như Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM để làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở của dự án. “Như vậy, các chủ thể kinh doanh cần nghiên cứu để xác định dự án, hoạt động kinh doanh của mình có thuộc đối tượng phải lập báo cáo ĐTM hay không; Hiểu rõ trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐMT”- bà Bình lưu ý.
Theo Pháp luật hiện hành, hình thức xử phạt khi không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM được quy định trong điểm d khoản 4 và điểm d khoản 5 điều 11 Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Các đối tượng vi phạm sẽ phải nhận mức phạt hành chính tùy vào các trường hợp dưới đây:
- Phạt hành chính số tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng với dự án nằm trong thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh, bộ hoặc ngang bộ (trừ Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường).
- Phạt hành chính với số tiền từ 200 triệu đồng cho đến 250 triệu đồng đối với những dự án thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường.
Lan Anh