Điểm danh 3 siêu dự án ở TP HCM không kịp tiến độ trong năm 2021
Thay vì đi vào vận hành, sử dụng vào cuối năm 2021 thì 3 siêu dự án ở TP HCM lại lùi thời gian hoàn thành. Người dân tiếp tục chờ đợi các dự án đi vào hoạt động, phục vụ cho đời sống.
3 dự án chậm tiến độ
Tháng 11 vừa qua, thông tin dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (TP Hà Nội) chính thức đi vào vận hành sau hơn 10 năm thi công. Hà Nội thì đã khánh thành và đi vào hoạt động dự án đường sắt thế nhưng TP.HCM thì chưa.
Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng chật vật hơn 10 năm nay và đáng lẽ dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2021 nhưng phải dời lại thêm hai năm nữa.
Cuối tháng 11 vừa qua, Ban quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR) đã có công văn hỏa tốc gửi UBND TP.HCM xin lùi ngày vận hành thương mại dự án đến cuối quý IV – 2023.
Trong văn bản hỏa tốc gửi UBND TP.HCM, MAUR cho biết có ba nguyên nhân khiến tuyến metro số 1 bị chậm trễ.
Thứ nhất, dịch COVID-19 tái bùng phát lần thứ tư tại TP.HCM và các nước trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của toàn dự án. Theo kế hoạch lũy kế tổng tiến độ toàn dự án đến cuối năm là 91%, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay lũy kế tiến độ mới đạt 88%.
Thứ hai, do các thủ tục để ký kết phụ lục hợp đồng số 19 của hợp đồng tư vấn chung. Phụ lục 19 gồm các nội dung quan trọng như tư vấn; đào tạo lái tàu, nhân viên điều độ, trưởng ga; lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin gói thầu CP4...
Thứ ba, các vướng mắc còn tồn đọng triển khai dự án. Cụ thể, dự án metro số 1 là một trong những dự án đường sắt đô thị triển khai đầu tiên tại Việt Nam thực hiện theo các quy định hợp đồng nước ngoài và trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh các quy định pháp luật Việt Nam.
Nhiều nội dung cần thực hiện như xử lý tồn đọng từ đầu triển khai dự án đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm trong thời gian qua. Do đó, cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị xử lý dứt điểm trong thời gian tiếp theo làm cơ sở hoàn thành dự án đưa vào vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả.
Tương tự, cũng vào tháng 11, thông tin cống ngăn nước mặn lớn nhất miền Tây ở tỉnh Kiên Giang (cống Cái Lớn - Cái Bé với vốn đầu tư 3.300 tỉ đồng) đang vận hành thử nghiệm và sắp hoàn thành càng khiến người dân TP.HCM mong ngóng dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng.
Dự kiến tiến độ trước đây, dự án có thể hoàn thành vào cuối năm 2021. Thế nhưng do hiện nay vẫn tồn tại với nhiều khúc mắc (trong đó có việc giải ngân và ký kết phụ lục hợp đồng), dự án vẫn chưa xác định được ngày về đích.
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.
Ngoài ra còn có dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối trung tâm TP.HCM với khu đô thị Thủ Thiêm cũng dự kiến hoàn thành vào tháng 4 năm sau, thay vì trong năm nay như dự kiến trước đó.
Đây cũng là một trong những công trình trọng điểm cấp bách của TP.HCM.
Cần quyết tâm, tập trung hơn nữa
Các chuyên gia cho rằng ngành chức năng cần phải rà soát vấn đề và cần quyết tâm, tập trung hơn nữa để giải quyết tình trạng các dự án lớn chậm tiến độ quá lâu.
Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá, chúng ta cần nhìn lại bản thân và phải xem lại hợp đồng có ràng buộc chặt chẽ hay không, rồi thời hạn thi công, nhiều lý do đặc biệt về sử dụng đất, giải phóng mặt bằng kéo theo sự đình trệ kinh khủng của dự án.
Ông Cương dẫn ví dụ tuyến metro số 1, nguyên nhân chậm trễ cần phải được phát hiện sớm hơn chứ không để mọi thứ cứ trôi đi. Chúng ta cũng phải tìm cách giải quyết, phải có thủ tục nghiêm hơn để đảm bảo thời gian hoàn thành dự án.
Còn theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, việc gia hạn thời gian hoàn thành của tuyến metro số 1 thì phải có sự tính toán sát sao.