Đề xuất ứng dụng vòng đeo tay giám sát người cách ly tập trung liên quan tới COVID-19
Bộ TT&TT vừa đề xuất áp dụng vòng đeo tay chuyên dụng nhằm hỗ trợ giám sát người cách ly tập trung và sau cách ly.
Bộ TT&TT có văn bản đề xuất với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 cho phép áp dụng vòng đeo tay chuyên dụng nhằm hỗ trợ giám sát người cách ly tập trung và sau cách ly.
Vòng đeo tay được phát triển hoàn toàn bởi doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng công nghệ GPS để ghi nhận địa điểm, pin có thời gian 30 ngày, có thể gửi cảnh báo nếu phát hiện phá hoại hoặc ra khỏi vùng cách ly. Mức giá sản xuất dự kiến vòng đeo tay chuyên dụng là 35USD (khoảng 800.000đ).
Hai chức năng chính của vòng đeo tay chuyên dụng là: Phát hiện tiếp xúc gần dựa trên công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (có cơ chế hoạt động tương tự những ứng dụng truy vết); Kiểm tra tuân thủ của các đối tượng đang trong quá trình cách ly y tế bắt buộc dựa trên công nghệ định vị GPS.
Hiện doanh nghiệp Việt Nam đã có giải pháp (làm chủ công nghệ và dữ liệu được lưu trữ tại Việt Nam) và đủ năng lực sản xuất, sẵn sàng triển khai diện rộng trong thời gian ngắn.
Trên thế giới có một số quốc gia đã xuất khẩu giải pháp giám sát đối tượng cách ly. Nhưng Bộ TT&TT cho rằng sử dụng giải pháp sẵn có của nước ngoài sẽ dẫn đến nhiều hạn chế trong việc làm chủ, tùy biến cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Việc mua giải pháp nước ngoài cũng bị phụ thuộc vào năng lực sản xuất của đối tác, có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến phương án phòng, chống Covid-19 của Việt Nam.
Thời gian để nghiên cứu và tùy biến sản phẩm cho phù hợp với yêu cầu và sản xuất đại trà với số lượng lớn là khoảng 4 tuần sau khi được phê duyệt chủ trương và phương án kỹ thuật. Hiện giải pháp sử dụng vòng đeo tay chuyên dụng trong phòng chống Covid-19 đã được một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng. Việc sử dụng vòng đeo tay chuyên dụng sẽ khắc phục một số nhược điểm gồm: Người dùng không có hoặc không có khả năng dùng smartphone, người dùng chủ động tắt Bluetooth hoặc GPS, người dùng không mang theo smartphone bên người hay tắt smartphone.
Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, cho đến thời điểm này các ứng dụng khai báo y tế đang là công cụ hữu hiệu để phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, việc khai báo y tế điện tử còn phức tạp đối với nhiều người không quen sử dụng điện thoại thông minh. Không ít người đã khai báo y tế trên giấy khi đến nơi khác vẫn phải khai báo lại; hoặc khai báo rồi mà không có người hỏi đến. Vì thế, dẫn đến tình trạng một số người, dù không cố tình trốn tránh khai báo y tế, nhưng vì một hay nhiều lý do nêu trên, mà không hoàn thành trách nhiệm hết sức cần thiết của mình.
Do đó, để giải quyết tình trạng người dân không khai báo y tế qua ứng dụng mà gọi điện cho các cơ quan chức năng để khai báo, Cục đã xúc tiến xây dựng đường dây nóng để tiếp nhận khai báo y tế của người dân và giao cho VNPT vận hành. Bên cạnh đó, Cục Tin học hóa cũng đã đưa thêm tính năng phát hiện các mã trong ứng dụng đã khai báo từ lâu chưa được cập nhật. Mã khai báo này sẽ yêu cầu người dân cập nhật dữ liệu của mình trong 24h; nếu không khai báo cập nhật khi qua cửa an ninh sẽ bị phát hiện và yêu cầu cập nhật.
Các biện pháp mới sẽ khắc phục được lỗ hổng hiện nay và giúp cho phòng chống, truy vết Covid-19 triệt để hơn, tránh được tình trạng những người không tự giác khai báo qua mặt các cơ quan quản lý.
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo, trong vòng 24h, VNPT đã cấp tốc triển khai đường dây nóng hỗ trợ khai báo y tế 18001119 nhằm tiếp nhận, trợ giúp mọi yêu cầu của người dân về khai báo y tế một cách kịp thời, miễn phí, không để ách tắc. Theo đó, khi gọi đến tổng đài, ngoài việc được miễn cước, người dân sẽ được các tổng đài viên là tình nguyện viên hướng dẫn lựa chọn hình thức khai báo y tế phù hợp và nội dung khai báo cho xác thực nhất.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo